Tổng Giám đốc WHO tuyên bố, tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục "giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch Covid-19". (Nguồn: Time) |
Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng các nước thành viên WHO (Đại hội đồng WHO) lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, các nước đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi đánh giá "công bằng, khách quan và toàn diện" về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch Covid-19.
Đề xuất do Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho hơn 100 nước, trong đó có Australia, Trung Quốc và Nhật Bản, đưa ra.
Trước đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại dịch Covid-19 sau khi Tổng thống Donald Trump gửi thư cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dọa sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này và xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trừ phi WHO tiến hành "những cải thiện đáng kể" trong vòng 30 ngày.
Người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu-Henriksson nêu rõ: "Đây là thời điểm thể hiện đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương", đồng thời cho biết đã tài trợ thêm nhằm hỗ trợ nỗ lực này của WHO.
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp với các nhà lập pháp Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng: "WHO không nên trở thành đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu khác ngoài mục tiêu xây dựng sự hợp tác quốc tế hiệu quả nhất chống lại đại dịch".
Theo ông Ryabkov, Nga phản đối việc chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của SARS-CoV-2 và ủng hộ việc tìm ra các phương thức cho phép tiến tới một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề liên quan đến đại dịch, củng cố vai trò của WHO và ngăn chặn tổ chức này suy yếu.
"Thật đáng tiếc, những điều này không nằm trong các ưu tiên của Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất của nước này", Thứ trưởng Nga nói.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Ghebreyesus tuyên bố, tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục "giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch Covid-19”, “vốn đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế”.
Ông Ghebreyesus cũng hoan nghênh nghị quyết của EU vừa được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng WHO.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus không đề cập cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm ngừng tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên hối thúc một số chính trị gia tại Mỹ dừng đổ lỗi cho những nước khác và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng đánh bại đại dịch Covid-19.
| NÓNG! Số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc trong ngày tăng trở lại mức trên 30 ca TGVN. Ngày 20/5, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10h ... |
| Tín hiệu lạc quan: Những người tiêm vaccine thử nghiệm phòng Covid-19 đã có kháng thể chống virus TGVN. Công ty phát triển vaccine Moderna cho biết, những người tình nguyện đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 đã xuất hiện kháng thể ... |
| Cập nhật 7h ngày 20/5: Số ca Covid-19 toàn cầu tiệm cận 5 triệu, 'hố đen' Brazil trải qua ngày 'tồi tệ', Ấn Độ 'lập kỷ lục' mới TGVN. Theo Worldometers, tính đến 6h ngày 20/5, thế giới ghi nhận 4.980.227 người nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus ... |