📞

WHO: Uganda ngăn chặn thành công sự bùng phát của virus Marburg

08:59 | 09/12/2017
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Uganda đã ngăn chặn được virus Marburg - một loại virus tương tự Ebola - vài tuần sau khi dịch bệnh này bùng phát, đồng thời đánh giá cao sự cải thiện về hệ thống cảnh báo và đối phó với dịch bệnh của nước Tây Phi này kể từ khi Ebola bùng phát. 

Đã có 3 người tử vong trong đợt tuyên bố dịch bệnh ngày 17/10 tại Uganda. Đây là lần công bố dịch đầu tiên ở nước này trong 3 năm qua. 

Virus Marburg là một trong những tác nhân gây chết người nhiều nhất được biết đến. Cũng giống như Ebola, sốt xuất huyết do virus Marburg gây chứng chảy máu nghiêm trọng, sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh của virus này là 21 ngày. 

Phản ứng nhằm đối phó với virus Marburg cho thấy sự chủ động của Uganda và nỗ lực tham gia, phối hợp của cộng đồng trong giám sát và ngăn chặn sự bùng phát của một dịch bệnh nguy hiểm. (Nguồn: The CItizen)

Uganda đã gửi cảnh báo đến WHO trong vòng 24h sau khi dịch bùng phát. Ngay sau đó, một nhóm phản ứng nhanh đã được triển khai tới quận Kween, gần biên giới với Kenya và khoản quỹ trị giá 623.000 USD của WHO đã được lập tức giải ngân cho các hoạt động ứng phó của Uganda và Kenya, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. 

Ông Peter Salama, giám đốc điều hành của WHO cho biết, phản ứng nhằm đối phó với virus Marburg cho thấy sự chủ động của Uganda và nỗ lực tham gia, phối hợp của cộng đồng trong giám sát và ngăn chặn sự bùng phát của một dịch bệnh nguy hiểm trước khi nó kịp gây ra những hậu quả nặng nề. 

Sự đổ vỡ trong hệ thống cảnh báo sớm của WHO đã bị chỉ trích sau khi đại dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi năm 2013 khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Các chuyên gia y tế cho rằng sự thất bại của WHO trong cảnh báo sớm là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng Ebola thêm trầm trọng và làm dấy lên nghi ngờ về sự tín nhiệm dài hạn đối với cơ quan này. 

Kể từ đó, WHO đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động dự báo và phản ứng nhanh đối với các dấu hiệu về khả năng dịch bệnh bùng phát, nhất là tại các nước châu Phi, nơi có hạ tầng y tế công cộng chưa hoàn thiện và tương đối yếu.

(theo AFP)