WHO cảnh báo khoảng cách ngày càng lớn trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu và những nước nghèo hơn qua COVAX. (Ảnh minh họa. Nguồn: Williams News) |
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến về tiêm chủng toàn cầu do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tổ chức, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Khoảng cách giữa số vaccine được sử dụng tại các nước giàu và số vaccine được sử dụng thông qua cơ chế COVAX đang ngày một gia tăng".
Việc phân phối thiếu cân bằng vaccine ngừa Covid-19 không chỉ trái với đạo đức, mà còn gây tổn hại về mặt kinh tế và dịch tễ học.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chừng nào virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khắp mọi nơi, tính mạng của người dân vẫn bị đe dọa, trong khi các hoạt động thương mại và đi lại sẽ tiếp tục bị gián đoạn, kéo theo đó là đà phục hồi kinh tế chậm chạp.
Cũng tại hội thảo trên, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã kêu gọi các nước giàu đảm bảo việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng, nhấn mạnh cần phải huy động 510 triệu USD để hỗ trợ công tác vận chuyển chế phẩm này trên thế giới.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh: "Chúng tôi cần sự hỗ trợ. Chúng tôi cần các nhà sản xuất vaccine ưu tiên cho cơ chế COVAX và nỗ lực đảm bảo việc phê duyệt theo quy định để phân phối (vaccine) một cách nhanh chóng, công bằng với giá cả phải chăng. Chúng tôi cần các quốc gia giàu có hơn quyên tặng thêm vaccine thông qua COVAX".
Phát biểu của Tổng Giám đốc WHO và Giám đốc UNICEF được đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine phòng Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước này chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch.
Tổng Thư ký Guterres cho biết, hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo (COVA) đang gặp khó khăn vì có nhiều hoạt động tích trữ, trong khi các nước giàu lại "tư lợi" khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình.
Cơ chế COVAX đặt mục tiêu cung cấp khoảng 238 triệu liều vaccine trên thế giới vào cuối tháng 5 tới. Cho tới nay, đã có hơn 32 triệu liều vaccine được phân phối theo cơ chế này.
Trên thế giới, tổng cộng gần 541 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm song tình trạng triển khai tiêm chủng vaccine bị đánh giá là không đồng đều. Nhìn chung, các nước nghèo đang tụt lại khá xa so với các quốc gia giàu có trong việc triển khai tiêm vaccine.
Để cải thiện tình hình, WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có san sẻ vaccine để tất cả các nước đều có thể triển khai tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định, việc quyên góp được 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp khoảng 20 quốc gia có thể khởi động tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người cao tuổi trong vòng 2 tuần tới.