World Bank phê duyệt khoản tín dụng 600 triệu USD để Philippines đẩy mạnh số hóa. (Nguồn: AFP) |
Thông tin trên được đưa ra trong thông báo ngày 30/9. World Bank cho biết khoản vay phục vụ phát triển chuyển đổi kỹ thuật số đầu tiên của Philippines này nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của chính phủ và các chính sách cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mở rộng tài chính toàn diện thông qua tài chính kỹ thuật số và kích thích sự phát triển của các dịch vụ kỹ thuật số.
Theo ngân hàng, khoản vay sẽ giúp Philippines số hóa các hoạt động và cung cấp dịch vụ của chính phủ, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuyến khích áp dụng thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ tài chính.
WB lưu ý gói tín dụng này cũng sẽ tạo điều kiện cải cách để thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường khả năng cạnh tranh và các hoạt động giá trị gia tăng trên thị trường dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy phát triển kỹ năng của lĩnh vực này.
Ông Ndiame Diop, quan chức WB phụ trách các nước Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan, cho biết: “Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhiều hơn có thể cải thiện hiệu quả và tính minh bạch của các dịch vụ của chính phủ, trao quyền cho các cá nhân trước đây vốn xa cách với các thể chế ra quyết định”. Ông nêu rõ việc áp dụng rộng rãi thanh toán kỹ thuật số ở Philippines là điều cần thiết để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp nhỏ.
Quan chức World Bank khẳng định số hóa cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất bằng cách giảm chi phí vận hành của các công ty và tăng cường khả năng phục hồi cũng như khả năng ứng phó của họ với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Hiện tại, tiền mặt là hình thức thanh toán chủ yếu tại các cửa hàng tạp hóa, thanh toán dịch vụ của chính phủ cũng như nộp các khoản phí và phạt tại Philippines.
Bà Smita Kuriakose, chuyên gia kinh tế trưởng về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới thực hành toàn cầu của WB, khẳng định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau, đặc biệt là trong các thảm họa tự nhiên và liên quan đến khí hậu, cho phép chính phủ và khu vực tư nhân ứng phó nhanh chóng và hiệu quả”.