📞

World Cup 2022: Ứng xử văn minh nơi công cộng đã trở thành một giá trị của người Nhật Bản

Nguyễn Quốc Vương 13:45 | 06/12/2022
Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật đã trở thành một giá trị, mà hành động thu gom rác trên khán đài của CĐV Nhật sau trận đấu tại World Cup 2022 chỉ là một trong những ví dụ cụ thể.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hành động dọn rác của CĐV Nhật tại World Cup 2022 chỉ là một biểu hiện cụ thể của ứng xử văn minh nơi công cộng. (Ảnh: NVCC).

Sau chiến thắng của đội tuyển Nhật Bản trước tuyển Đức, người hâm mộ thế giới ngạc nhiên trước những hành động dọn rác trên khán đài của các CĐV Nhật (tối 23/11) ở Qatar.

Tiếp đó, CĐV Nhật Bản lại “ghi điểm” với hành động đặc biệt này sau chiến thắng trước Tây Ban Nha.

Dù đội nhà thắng, thua hay hòa, người Nhật vẫn dành thời gian sau mỗi trận đấu để nhặt rác trên khán đài. Nhiều CĐV Nhật Bản vẫn nán lại khán đài để dọn dẹp dù đội nhà đã để thua Croatia 1-3 sau loạt sút luân lưu và bị loại khỏi World Cup 2022 (5/12).

Dường như việc này đã thành một thói quen, một kỷ luật mang tính cộng đồng và tự giác cao. Nhiều người hỏi tôi, điều gì làm nên giá trị cũng như sức mạnh mềm của người Nhật Bản?

Nước Nhật nếu xét về diện tích, dân số không phải là lớn nhưng sức ảnh hưởng và sự hiện diện của Nhật trên thế giới rất đáng kể.

Ngoài sức mạnh đến từ kinh tế thì sức mạnh mềm của nước này đến từ văn hóa, trong đó, ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật rất đáng chú ý.

Trong những sự cố thiên tai hay trong các sự kiện có người Nhật tham dự ở bên ngoài nước Nhật, họ đã thể hiện được điều đó, khiến cho cộng đồng bên ngoài nể phục.

Trước đó, người Nhật, đặc biệt là thanh niên đã từng làm cho cả thế giới kinh ngạc với việc họ kiên nhẫn xếp hàng cả km để chờ đổ xăng khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Không có chen lấn, xô đẩy. Có thể nói, ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật đã trở thành một giá trị.

Nhặt rác hay ăn mừng đúng cách là việc không khó xét ở phương diện kỹ thuật. Nhưng ở phương diện tư duy, thói quen, nó là điều chẳng dễ, nhất là xét ở phương diện một cộng đồng.

Muốn có nó, tất yếu phải nhờ vào giáo dục và thực hành liên tục, toàn diện trong một thời gian dài với hệ giá trị thống nhất. Trong chuyện này, người Nhật là một tấm gương đáng nể.

Sức mạnh mềm đến từ đâu?

Sau tháng 8/1945, Nhật Bản cải cách toàn diện để trở thành nước Nhật dân chủ. Cải cách giáo dục được tiến hành dựa trên nền tảng Hiến pháp 1946 với mục tiêu giáo dục nên những công dân dân chủ của nước Nhật “hòa bình - dân chủ - tôn trọng nhân quyền”.

Môn Nghiên cứu xã hội được coi là trọng tâm. Trong môn học này, giáo dục đời sống, dựa trên và phát huy kinh nghiệm đời sống của trẻ em được coi trọng. Triết lý này kéo dài và duy trì đến ngày nay dù trải qua nhiều thăng trầm.

CĐV xứ sở mặt trời mọc nán lại để dọn dẹp rác trên các khán đài sân Khalifa, Qatar. (Nguồn: Reuters)

Chính vì vậy, ở gia đình cũng như nhà trường (từ mầm non tới đại học), những nội dung về giáo dục đời sống như ăn, mặc, ở, đi lại, ứng xử, giao tiếp với môi trường tự nhiên, xã hội được coi trọng và hướng dẫn rất cẩn thận. Khi học những nội dung này, trẻ được học và thực hành hằng ngày thay vì chỉ đọc bài trong sách giáo khoa sau đó chọn đáp án đúng hoặc đưa ra câu trả lời nhắc lại những gì đã viết trong sách.

Để xây dựng và duy trì được thói quen, nếp sống, cách hành xử văn minh nơi công cộng thì cá nhân và tập thể phải được trải nghiệm, rèn luyện, giáo dục trong cả ba môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội. Hơn nữa, sự rèn luyện, trải nghiệm, giáo dục đó phải dựa trên một triết lý thống nhất, xuyên suốt, không tạo ra sự mâu thuẫn về giá trị.

Người Nhật rất coi trọng việc tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp, hành xử theo kỷ luật, trật tự, tránh làm phiền người khác ở không gian công cộng, coi trọng tài sản, vật chất chung… Những điều này đã trở thành giá trị phổ biến, mặc nhiên được thừa nhận và bảo vệ trong mọi trường hợp.

Đối với cá nhân, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên thói quen, giá trị quan đúng đắn, cách thức hành xử văn minh trong đời sống. Những thói quen tốt, những giá trị quan lành mạnh sẽ đến trước hết từ sự giáo dục của cha mẹ ngay tại gia đình, không chỉ là lời chỉ bảo mà quan trọng hơn là trong thái độ, sinh hoạt của cha mẹ.

Trường học hiện đại cũng phải là nơi học sinh trải nghiệm phong phú đời sống để học cách trở thành một thành viên của xã hội. Vì vậy, muốn có kỹ năng sống tốt, trẻ phải học được ở trường những kỹ năng đó thông qua các trải nghiệm, bài học chân thật, thực tiễn như tham gia vào đời sống xã hội bên ngoài. Nói như Dewey thì trường học phải chính là cuộc sống.

Muốn học được người Nhật, chúng ta phải có can đảm nhìn nhận lại những gì chưa ổn trong lối sống của mình, nhất là cách thức tham gia, hành xử trong môi trường công cộng. Từ chỗ có thái độ cầu thị đó, ta sẽ học hỏi cách thức giáo dục con cái, cải cách giáo dục trường học và sửa đổi hành vi của bản thân mình.

Rất nhiều việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Nhặt rác nơi công cộng, dọn sạch nơi mình vừa có mặt, vừa tham gia hoạt động ở nơi công cộng là một việc như vậy.

Khi làm tốt việc nhỏ, cá nhân sẽ có cơ hội và khả năng để tiến lên làm những việc lớn hơn. Hãy để trẻ làm tốt những việc nhỏ để cảm nhận niềm vui và ý nghĩa của nó, từ đó hướng trẻ đến những việc lớn hơn trong cuộc đời.

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày...

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.