Nghi phạm Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi thực hiện 3 vụ xả súng liên tục ở Atlanta. (Nguồn: AP) |
Với 6 trên tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á, các vụ xả súng đã gây chấn động mạnh với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.
Cảnh sát cho biết, nghi phạm Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi, đã phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, hiện giới chức vẫn chưa xác định nguyên nhân khiến nghi phạm ra tay.
Dù cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa có kết luận cuối cùng nhưng các nhà hoạt động tại Mỹ tin rằng, các vụ tấn công tiếp tục dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.
Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19, dịch bệnh xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc.
Đại diện cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tại Atlanta Sam Park cho biết, trong năm qua nhiều người trong cộng đồng đã thiệt mạng vì bạo lực gia tăng và tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử cũng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch.
Say vụ xả súng chấn động trên, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á là “rất đáng quan ngại”, nhấn mạnh ông đã đề cập tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á trong nhiều tháng qua.
Hồi tuần trước, trong bài phát biểu đánh dấu 1 năm nước Mỹ phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Tổng thống Biden đã lên án "tội ác thù hận tàn ác" chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á khi khẳng định đó là hành động sai trái và phải chấm dứt.
Cùng ngày 17/3, một số nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực gia tăng đối với người Mỹ gốc Ấ sau vụ tấn công trên.
Trên trang Twitter, Hạ nghị sĩ Michelle Steel lên án vụ tấn công là “vô nghĩa và bi thảm", trong khi Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng, vụ xả súng phản ánh một xu hướng cần phải chấm dứt, đồng thời cho rằng nước Mỹ phải đoàn kết để chống lại làn sóng bạo lực đang bùng phát nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Hạ viện Mỹ dự kiến tiến hành một phiên điều trần vào ngày 18/3 liên quan sự gia tăng các vụ tội ác thù hận và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á.
Theo NBC News, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% năm ngoái ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống.
Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ.
Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.