Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đại diện các tổ chức quốc tế chụp ảnh chung. Ảnh: ĐT |
Xác định nguyên tắc đối thoại giúp chúng ta có được “hành lang cứng” để quy tụ mọi động thái đối thoại về phía ta nhằm đạt mục tiêu đối thoại, dự lường những động thái “làm loãng vấn đề”, “chệch hướng mục tiêu”, “áp đặt các mục đích khác”... từ phía bên kia bàn đối thoại. Đồng thời, xác định tốt phương thức đối thoại giúp chúng ta có nhiều cách thức, biện pháp đa dạng, mềm dẻo, linh hoạt trên cơ sở dựa chắc vào “hành lang cứng” là nguyên tắc đối thoại.
Về nguyên tắc đối thoại
Nguyên tắc nhân đạo nhằm đạt kết quả đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo
Trong đối thoại nhân đạo, cần luôn luôn thấu triệt tinh thần đấu tranh vì đạo lý, là đối thoại vì cuộc sống và hạnh phúc của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Vì thế, nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc hàng đầu nhằm đạt kết quả hàng đầu là đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo từ phía đối tác. Hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày quân đội Hoa Kỳ ngừng rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm đè nặng, tàn phá nhiều gia đình Việt Nam. Vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam dưới danh nghĩa chất diệt cỏ, dai dẳng cho đến ngày nay vẫn đang là một vấn đề xã hội rất cấp thiết. Đó là hiện thực, là thực tế không thể chối cãi cả về mặt môi trường sinh thái, cả về sức khoẻ, cuộc sống con người và các vấn đề xã hội; cả về mặt pháp lý và về mặt đạo lý.
Chất da cam/dioxin mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam đã, đang và tiếp tục gây ra những hậu hoạ nặng nề, lâu dài đối với những nạn nhân Việt Nam, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận đúng đắn, đầy tính nhân văn, giàu tình người và trách nhiệm đạo lý, kể cả sự bồi thường thỏa đáng. Nhưng sự hỗ trợ thỏa đáng mang tính chất nhân đạo từ phía đối tác, dù là kẻ gây ra tai họa hay những ngời có lương tâm, sẵn sàng chia sẻ, lại thể hiện tình thương yêu con người và là vấn đề rất cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cuộc đấu tranh vì quyền lợi của nạn nhân da cam/dioxin đã và đang diễn ra với nhiều hình thức và tính chất khác nhau, với nhiều tầng lớp nhân dân và các tổ chức của Việt Nam, của nhiều tổ chức quốc tế, của cả chính nhân dân và quân đội Hoa Kỳ.
Vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam thực sự là một vấn đề xã hội không dễ dàng giải quyết. Không nơi nào trên thế giới có hàng triệu người bị nhiễm độc ở nhiều mức khác nhau và trong thời gian dài hàng chục năm như đất nước Việt Nam. Những hình thức đối thoại chính trị, ngoại giao, pháp lý đã kéo theo và hàm chứa trong nó những giá trị nhân văn, nhân đạo, nhưng vẫn chưa đủ, chưa thể khơi dậy mạnh mẽ, làm thức tỉnh hẳn lương tâm và trách nhiệm của phía Hoa Kỳ. Đạo lý của con người, lòng nhân đạo, tình thương yêu con người, sự tôn trọng sự thật, lương tâm và trách nhiệm trước những lỗi lầm…, cần phải được thức tỉnh, đề cao, nhấn mạnh hơn nữa và tỏa thấm trong cách xử lý, giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với phía Hoa Kỳ.
Nguyên tắc nhân đạo nhằm đạt kết quả đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đòi hỏi mọi cuộc đối thoại, mọi lực lượng tham gia đối thoại đều cần đặt lên hàng đầu mục tiêu nhân đạo; trong nội dung đối thoại phải đặt vấn đề hỗ trợ nhân đạo thành nhu cầu hàng đầu và xuyên suốt; các hình thức đối thoại, các quy trình đối thoại, các động thái đối thoại đều xuất phát từ cơ sở nhân đạo, nhân văn, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, lấy nhu cầu hỗ trợ nhân đạo làm trục chính quy tụ mọi vấn đề cả về nội dung và cách thức đàm luận.
Nguyên tắc chính trị - khoa học - pháp lý nhằm giữ gìn quốc thể, có sức thuyết phục và phù hợp luật pháp quốc tế
Mặc dù đặt lên hàng đầu nguyên tắc nhân đạo nhằm đạt kết quả đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo từ phía đối tác, song do đây là loại hoạt dộng liên quan đến vấn đề quan hệ quốc tế nên vẫn phải tuân theo nguyên tắc chính trị - khoa học - pháp lý, trước hết nhằm đáp ứng những yêu cầu thông lệ về quan hệ quốc tế và hơn nữa nhằm giữ gìn quốc thể.
Nguyên tắc này đòi hỏi, cùng với sự thấm nhuần tinh thần nhân đạo, nhân văn, vì lợi ích của nạn nhân da cam/dioxin, việc đối thoại nhân đạo về hậu quả chất diệt cỏ do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải được đặt trên nền tảng chính trị của Việt Nam, góp phần không ngừng củng cố vị thế đất nước trên trường quốc tế. Mọi động thái có phương hại cho chế độ chính trị hiện hành của đất nước, trực tiếp là phương hại đến vấn đề quốc thể đều không được phép xảy ra và phải được cực lực phản đối. Thấm nhuần tinh thần nhân đạo, hướng mạnh đến nhu cầu hỗ trợ nhân đạo không có nghĩa là đem đánh đổi lấy suwjan toàn của chế độ chính trị, xâm hại quốc thể. Hơn nữa, càng thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn thì càng cần minh chứng chính tinh thần nhân đạo, nhân văn ấy được tỏa sáng từ chính sự ưu việt của thể chế chính trị hiện hành cũng như của vị thế đất nước ta trên trường quốc tế.
Nguyên tắc chính trị - khoa học - pháp lý nhằm giữ gìn quốc thể, có sức thuyết phục và phù hợp luật pháp quốc tế cũng đòi hỏi mọi động thái đối thoại nhân đạo, mọi hình thức đối thoại đều phải được thực hiện một cách khoa học và đặt trên cơ sở khoa học. Tinh thần nhân đạo, nhân văn của chúng ta không thể là nhân đạo, nhân văn chung chung trừu tượng, vô nguyên tắc, phi khoa học. Những nhu cầu hỗ trợ nhân đạo được đưa ra đều phải được làm sáng tỏ bằng các luận chứng khoa học. Mọi cách thức trao đổi, tọa đàm, thảo luận, tranh luận vừa thấm đậm tinh thần nhân văn vừa minh bạch về phương diện khoa học, không chấp nhận sự áp đặt chính trị hoặc bị bẻ cong bởi thiên kiến chính trị.
Nguyên tắc chính trị - khoa học - pháp lý nhằm giữ gìn quốc thể, có sức thuyết phục và phù hợp luật pháp quốc tế còn đòi hỏi mọi động thái đối thoại nhân đạo, mọi hình thức đối thoại đều phải thông thuận về phương diện pháp lý. Tất cả các bước, các khâu, từ chuẩn bị nội dung đến cách thức tiến hành đối thoại nhân đạo đều phải phù hợp luật pháp quốc tế. Những năm gần dây, cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân ngày càng phát triển. Từ vụ kiện các công ty hoá chất Hoa Kỳ, dư luận ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ngày càng sôi nổi và mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh của các nạn nhân Việt Nam không đơn độc bởi hiện nay đã hình thành một sự phối hợp hành động của các nạn nhân chất da cam/dioxin ở nhiều nước trên thế giới, có sự giúp sức to lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, không có sự bồi thường vật chất nào có thể làm mất đi những di hại của chất độc da cam/dioxin đối với cuộc sống, sức khỏe con người; có thể làm cho những nạn nhân của chất độc này trở nên lành mạnh và bình thường. Do vậy, các nội dung, phương thức đối thoại phải gắn chặt giữa đấu tranh đạo lý với đấu tranh pháp lý.
Nguyên tắc đối ngoại– ngoại giao thiện chí nhằm thêm bạn bớt thù
Đấu tranh vì quyền lợi của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam là vấn đề vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Những hình thức đối ngoại - ngoại giao; những phát biểu lên án, yêu sách; các cuộc hội thảo khoa học, hội nghị, các diễn đàn quốc tế; các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các bên liên quan, trao đổi quốc tế; các hình thức tổ chức chính phủ và phi chỉnh phủ; những nghị định, tuyên bố, những lời hứa của các nguyên thủ quốc gia, của nhiều nhà khoa học, tướng lính quân đội, các chính khách, của nhiều tổng thống Hoa Kỳ; những chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Chung sức vì nhân đạo, vì nạn nhân chất độc da cam”, … đã được thực hiện, thể hiện với các mức độ khác nhau trong tiếp cận giải quyết vấn đề, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Nguyên tắc đối ngoại– ngoại giao thiện chí nhằm thêm bạn bớt thù đòi hỏi tất cả các hoạt động đối ngoại – ngoại giao khô cứng đến đâu cũng đều chứa đựng trong đó tinh thần thiện chí, cảm thông, chia sẻ với nỗi đau quá dai dẳng của con người. Các động thái đối thoại nhân đạo càng thể hiện rõ tinh thần nhân đạo, nhân văn, vì sự quan tâm đến lợi ích nạn nhân thì càng tạo nên bầu không khí ngoại giao thiện chí, thêm bạn bớt thù. Ngược lại, tinh thàn nhân đạo, nhân văn chỉ có thể được quán thông thỏa đáng trong tất cả các mắt khâu, các nội dung, phương thức đối thoại khi và chỉ khi gắn kết chặt chẽ được với nguyên tắc đối ngoại– ngoại giao thiện chí nhằm thêm bạn bớt thù.
Nguyên tắc hiệu quả, các bên cùng có lợi nhằm tăng cường hợp tác
Đối thoại nhân đạo về hậu quả chất diệt cỏ/dioxin do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, xét đến cùng là vì lợi ích nạn nhân, hướng đích chủ yếu của nó là tìm kiếm sự hỗ trợ nhân đạo từ phía đối tác đến nạn nhân. Tuy nhiên, chính thông qua đối thoại nhân đạo mà các bên đối thoại tăng thêm sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau, tìm thấy ở nhau khả năng hợp tác về phương diện khác trên cơ sở các bên cùng có lợi. Chính vì vậy, nguyên tắc hiệu quả, các bên cùng có lợi nhằm tăng cường hợp tác đòi hỏi các động thái của đối thoại nhân đạo trong khi tập trung hướng đến tìm kiếm sự hỗ trợ nhân đạo từ phía đối tác đến nạn nhân cũng cần quan tâm đến khía cạnh lợi ích của họ. Mặt khác, để thông thuận trong gặt hái kết quả đối thoại là hỗ trợ nhân đạo, một khía cạnh cực kỳ quan trọng là cần minh chứng được khả năng bảo đảm hiệu quả thực tiễn khi tiếp nhận sự hỗ trợ nhân đạo ấy. Dù là hỗ trợ nhân đạo thuộc phạm trù phi lợi nhuận nhưng nếu phản kinh tế, kém hiệu quả thì cũng trở nên vô nghĩa.
Nguyên tắc hiệu quả, các bên cùng có lợi nhằm tăng cường hợp tác cũng đòi hỏi chủ thể đối thoại cũng như các lực lượng đối thoại phải luôn luôn thể hiện và giữ vững tầm nhìn chiến lược nhằm làm cho các động thái đối thoại nhân đạo hướng đến góp phần phát triển bền vững đất nước. Đối thoại nhân đạo là một trong những “kênh” cơ bản trong tổng thể giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Song đồng thời cần được nhìn nhận rộng hơn về ý nghĩa của nó trong góp phần cải thiện quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ. Do vậy, cùng với việc nỗ lực đạt được các kết quả mong muốn trong đối thoại nhân đạo, cần luôn luôn giữ được tầm nhìn chiến lược nhằm phục vụ phát triển bền vững đất nước, tránh tình trạng “tham bát bỏ mâm”.
Các nguyên tắc trên đây có mối quan hệ biện chứng, gắn kết khăng khít và tương tác lẫn nhau hợp thành một chỉnh thể. Mọi động thái đối thoại, lực lượng đối thoại, nội dung đối thoại, phương thức đối thoại đều phải tuân thủ và vận dụng các nguyên tắc nói trên trong tính chỉnh thể ấy. Trong đó, nguyên tắc nhân đạo là xuyên suốt và là chất kết dính đối với tất cả các nguyên tắc.
Về phương thức đối thoại
Phương thức đối thoại nhân đạo về hậu quả chất diệt cỏ/dioxin do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam bao gồm một loạt cách thức, phương pháp, biện pháp, thậm chí những thủ đoạn, kỹ năng, kỹ xảo ứng xử - giao tiếp... nhằm đạt được nội dung đối thoại đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong tính chỉnh thể của nó, phương thức đối thoại nhân đạo quán thông và bao hàm được các khía cạnh: tư tưởng chỉ đạo đối thoại; phương châm đối thoại; phương pháp đối thoại; hình thức đối thoại, lấy yếu tố nhân đạo làm hạch tâm,
Đối với chiều cạnh “tính chỉnh thể của phương thức đối thoại nhân đạo”, có thể thấy: Tư tưởng chỉ đạo đối thoại là đối thoại thay cho đối đầu; lấy lợi ích chung làm điểm tựa; mục tiêu nhân đạo và giá trị đạo lý được đặt lên cao nhất. Phương châm đối thoại là kiên định, kiên trì, mềm mỏng, thấm dần, ngấm sâu. Phương pháp đối thoại là hết sức mềm dẻo, có cả phương pháp đồng biện và phương pháp phản biện, có cả phương pháp luận chứng và phương pháp minh chứng, có cả phương pháp trao đổi kinh nghiệm và phương pháp thống nhất hành động. Hình thức đối thoại là hết sức đa dạng, gồm truyền thông, diễn đàn; gặp gỡ trực diện; toạ đàm; hội thảo; hội nghị...
Đối với chiều cạnh “lấy yếu tố nhân đạo làm hạch tâm, lấy hợp tác quốc tế làm quỹ đạo cơ bản”, có thể thấy rõ phương thức đối thoại nhân đạo về chất diệ cỏ/dioxin do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phản ánh thực chất của hệ động thái hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và giải quyết hậu quả của dioxin, đó là không nên đóng cửa, tự giải quyết một mình. Bởi lẽ, đây là một lọi hậu quả chiến tranh không phải do ta gây ra. Ta là nạn nhân trong cuộc chiến tranh này. Chính nhờ hợp tác quốc tế mới có được những thông tin về cuộc chiến tranh giúp ta trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như giải quyết hậu quả. Nghiên cứu hậu quả chiến tranh hoá học, Dioxin và tìm biện pháp giải quyết chúng, có liên quan đến nhiều vân đề khoa học rất hiện đại về độc học, hoá học, y học và sinh học phân tử, hoá sinh, miễn dịch học... mà trong nước ta chưa có. Chỉ có hợp tác quốc tế, ta mới có kiến thức, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, vừa để giải quyết khó khăn trong công tác nghiên cứu, vừa tăng thêm tiềm năng khoa học của đất nước. Tạo điều kiện cho cán bộ khoa học tiếp cận các ngành khoa học này rút ngắn khoảng cách giữa ta và các nước trên thế giới. Có hợp tác quốc tế mới có thêm kinh phí rất tốn kém cho công tác nghiên cứu và khắc phục hậu quả. Đồng thời, việc hợp tác quốc tế làm tăng tính thuyết phục cho các kết quả nghiên cứu, chuẩn bị dư luận quốc tế thuận lợi cho cuộc dấu tranh chính trị ngoại giao sau này khi vấn đề được đặt ra.
Lấy hợp tác quốc tế làm quỹ đạo cơ bản, song vẫn phải đặt trên cơ sở lấy yếu tố nhân đạo làm hạch tâm. Cuộc chiến tranh hoá học của Hoa Kỳ tiến hành ở miền Nam Việt Nam nước ta đã gây ra những tác hại rất lớn trước mắt và lâu dài cho nhân dân ta. Cho đến nay, hơn bốn mươi năm sau cuộc chiến tranh, ở Việt Nam vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề khoa học xã hội và nhân đạo cần giải quyết. Đảng và Nhà nước Việt Nam ngay từ đầu đã có nhiều chủ trương đúng đắn để giải quyết vấn đề này, nhưng do nhiều lý do, còn khá nhiều trở lực cho việc nghiên cứu và huy động sức mạnh, các nguồn lực của cộng đồng trong việc khắc phục những hậu quả chất độc da cam/diôxin. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ dù cũng đã có những thiện chí và cố gắng nhất định, nhưng vẫn chưa thực sự nhận thức đúng vấn đề, chưa nhận rõ trách nhiệm của mình, sự bù đắp về mặt tài chính, vật chất còn quá ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối thoại nhân đạo về vấn đề nạn nhân chất độc da cam/diôxin ở Việt Nam là đối thoại mang tiếng nói của đạo lý, của lương tri, nó mang mục tiêu nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đồng thời có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Đối thoại nhân đạo xem xét và giải quyết vấn đề một cách nhân đạo, nhân văn, lấy đạo lý, tình người làm phương thức xử lý; lấy việc phục vụ lợi ích của nạn nhân chất độc da cam/diôxin ở Việt Nam là giá trị nhân đạo, nhân văn cốt lõi; đó còn là đối thoại nhằm bổ sung, bổ khuyết rất quan trọng cho hình thái đấu tranh chính trị - pháp lý; còn là nhằm cải thiện, củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Các phương thức đối thoại dù là đa dạng song đều cần phải được thực hiện tốt với sự chuẩn bị thật sự chu đáo, kỹ lưỡng. Có như vậy, chúng ta mới có thể mong đợi được sự thành công của đối thoại nhân đạo về vấn đề nạn nhân chất độc da cam/diôxin ở Việt Nam, một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm.