Vừa qua, thị trường xăng dầu đã ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Theo Bộ Công Thương, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Trước tình hình nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm.
Bộ trưởng nhấn mạnh cần xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường giám sát, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan báo chí thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá.
Các mặt hàng được Bộ trưởng lưu ý đặc biệt bao gồm lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Vừa qua, thị trường xăng dầu đã ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp. Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 ở mức 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 có giá 25.608 đồng/lít; giá dầu ở dưới mức 25.000 đồng/lít.
Người tiêu dùng mong đợi khi giá xăng dầu hạ nhiệt, sẽ kéo theo giá hàng hóa giảm theo. Song ghi nhận thực tế, các mặt hàng vẫn neo giá, không chịu giá.
Nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa lý giải do xăng dầu chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành, nhưng thừa nhận có tình trạng "tát nước theo mưa", "tăng rồi, khó giảm" từ người bán. Mới đây Chính phủ cũng đã có yêu cầu "kìm giá cả", các chuyên gia cũng lên tiếng cần có các biện pháp hữu hiệu cho việc bình ổn giá, tránh để lạm phát quá "nóng".
Chia sẻ tại tọa đàm về xăng dầu diễn ra chiều nay (4/8), Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu khi cần điều chỉnh giảm thì phải có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo đà giảm của giá xăng dầu.
Dù đồng tình với độ trễ của việc giảm giá cả trên thị trường và cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết, song chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh điều này "không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Mặc khác, điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.
| Giá xăng tăng, chuyến bay quốc tế giảm, ngành du lịch Canada đối mặt với một mùa Hè ảm đạm Các chuyên gia phân tích và nhà lãnh đạo trong ngành du lịch - lữ hành Canada cho biết, giá cả leo thang, các biện ... |
| 'Hạ nhiệt' giá xăng dầu bằng cách nào? Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí về giải pháp "hạ nhiệt" giá xăng dầu tại Họp báo Chính phủ ... |