📞

“Xây cầu” ở Iran không dễ!

16:13 | 08/02/2017
Đại sứ quán có vai trò xây cây cầu nối trong quan hệ giữa hai nước. Ý thức được điều đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran luôn nỗ lực hết sức mình để làm nên một cây cầu bền bỉ, vững chắc.

Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch chia sẻ, thuận lợi chủ yếu của sứ quán trong những nỗ lực này là tình cảm của người Việt Nam và Iran dành cho nhau. Đi đến đâu các bạn Iran cũng đặc biệt niềm nở với Đại sứ Việt Nam, chia sẻ những tình cảm đối với Việt Nam - đất nước anh dũng bảo vệ độc lập tự do, đất nước của Hồ Chí Minh nổi tiếng giản dị gần gũi với nhân dân.

Người Việt Nam cũng luôn ngưỡng mộ nôi văn hoá Ba Tư. “Chính với tình cảm như vậy nên các bạn dễ chia sẻ suy nghĩ, dự định và nếu phải lựa chọn đối tác thì Việt Nam bao giờ cũng dễ được chọn hơn”, Đại sứ Thạch bày tỏ.

Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch. (Ảnh: ĐS)

Tuy nhiên, Đại sứ quán gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Đại sứ Thạch chia sẻ rằng nếu như thuận lợi là hai bên “biết” về nhau thì khó khăn cũng chính là hai bên “thiểu hiểu biết” về nhau. Hiểu biết của nhiều người Iran về Việt Nam và nhiều người Việt Nam về Iran đều là quá khứ, chứ không phải hiện tại. Người Việt Nam nói đến Iran là nói đến Ba Tư của “Ngàn lẻ một đêm” mà thực ra câu chuyện “Ngàn lẻ một đêm” là của cả một vùng văn hoá rộng lớn hơn nhiều. Trong khi đó, người Iran biết đến Việt Nam cũng là của những năm 1970.

Chính sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về nhau cản trở rất nhiều cho việc phát triển quan hệ kinh tế. Thông tin mới về Iran rất bị méo mó vì ảnh hưởng của truyền thông không thân thiện với quốc gia này. Theo Đại sứ Thạch, Iran có thể nói là mảnh đất yên bình nhất ở Trung Đông trong 30 năm nay sau chiến tranh Iran-Iraq. Thế nhưng, nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ đây là vùng chiến sự, vẫn nghĩ ở đây có khủng bố, có nổ bom. Một số người Iran không biết là Việt Nam đã hoà bình!

Cản trở lớn thứ hai theo Đại sứ Thạch là cấm vận của phương Tây đối với Iran. Cấm vận được dỡ bỏ gần một năm nhưng thực tế các thanh toán qua ngân hàng vẫn chưa thực hiện được, gây cản trở rất nhiều cho hoạt động kinh tế. Sự khác biệt về văn hoá cũng là cản trở không nhỏ. “Phải hiểu văn hoá, hiểu cách làm thì mới dễ đi đến thoả thuận. Mỗi nền văn hoá đều có nét riêng của nó, có cái khó cái dễ của nó. Nếu hiểu được sẽ phát huy được và ngược lại không hiểu sẽ làm vấn đề trầm trọng thêm”, Đại sứ Thạch nhấn mạnh.

Khó khăn cuối cùng cũng phải nói là tính dấn thân của doanh nghiệp chúng ta cũng chưa phải mạnh. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc sang đây rất nhiều, doanh nghiệp Việt Nam còn vắng bóng. Phía bạn cho biết có đến 50.000 người Trung Quốc đang làm ăn ở Iran. Con số này với Việt Nam rất khiêm tốn, mặc dù đã bắt đầu có, Đại sứ Thạch nhận định.

(ghi)