(Ảnh minh họa) |
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải thiện chính sách nghỉ thai sản cũng như tăng cường quy định quảng cái các sản phẩm thay thế sữa mẹ của Việt Nam. Tại hội thảo, đại biểu đến từ 14 quốc gia đã thảo luận về tầm quan trọng của nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với mục tiêu phát triển y tế của quốc gia với vai trò trong hộ trợ thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu, và cách tiếp cận để thành công ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh Việt Nam đã nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và chương trình hành động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em.
Việc thông qua hai đạo luật quan trọng là Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Quảng cáo với các quy định tăng thời gian nghỉ thai sản dành cho nữ lao động từ 4 tháng lên 6 tháng và điều khoản quy định cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi một lần nữa thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi các công ước và luật pháp quốc tế về bảo vệ quyền của bà mẹ và trẻ em.
Hằng năm, trên toàn thế giới có hơn 3,5 triệu trẻ em tử vong do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và nhiều triệu trẻ phải trải qua tình trạng thiếu ăn kinh niên, tại nhiều nước hơn một nửa số trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Thực trạng đáng báo động này kêu gọi phải có những sáng kiến và giải pháp mới.
Bà Lotta Sylwander, đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng suy dinh dưỡng thể thấp còi, hay tình trạng quá thấp so với tuổi là kết quả thiếu hụt dinh dưỡng lâu dài trong 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời một đứa trẻ, từ lúc mang thai cho đến khi 2 tuổi.
Thấp còi gây ra những hậu quả không khắc phục được đối với sự phát triển của trẻ. Bà hy vọng hội thảo sẽ giúp đề xuất các phương án khác nhau trong bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ như một phần của hoạt động nuôi dưỡng và dinh dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của mỗi quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng cho biết sau 10 năm tỉ lệ trẻ thấp còi ở Việt Nam giảm từ 43% còn 29,3%, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30% xuống 17,5% và trẻ gầy còm giảm từ 11% xuống 7,1%
Bà Jean Baker, Giám đốc Dự án Alive & Thrive đề cập tới các rào cản văn hóa và cộng đồng, sự thiếu hụt cán bộ y tế, thiếu quy định pháp luật về thai sản và việc quảng bá tràn lan các sản phẩm thay thế sữa mẹ; nhấn mạnh hai trong số các rào cản có thể được giải quyết thông qua xây dựng các chính sách bảo vệ và thúc đẩy nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tầm quan trọng của nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong tương quan với các mục tiêu phát triển và y tế của quốc gia; vai trò của các chính sách trong hỗ trợ thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu và cách tiếp cận để thành công ở Việt Nam...
P.V