📞

Xây dựng ‘hạm đội’, cùng đưa hàng Việt 'phủ sóng' tại thị trường Halal

Thùy Linh 08:08 | 05/12/2024
Doanh nghiệp cần chú trọng “thực chất, thực lực”, lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với ngành hàng và phân khúc thị trường để khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng.

Đó là lời khuyên của bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, người sáng lập, Chủ tịch Công ty cổ phần Cao nguyên Bình Phước (Highlandbp) - một doanh nghiệp đang làm ăn với với thị trường Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - với các doanh nghiệp Việt đang tìm đường tiến sâu vào thị trường Halal.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, người sáng lập, Chủ tịch Công ty cổ phần Cao nguyên Bình Phước (Highlandbp). (Ảnh: NVCC)

Xin bà chia sẻ về sản phẩm than sạch gáo dừa - sản phẩm được xem là “vàng đen” - đã xuất khẩu tới các thị trường như Saudi Arabia, Mỹ, Đức và Brazil?

Than sạch gáo dừa được sản xuất từ 100% gáo dừa tự nhiên và ép thành dạng viên, không trộn thêm dầu hoả và các chất phụ gia khác như: mạt cưa, đá vôi… Sản phẩm này an toàn cho người sử dụng, không độc hại với môi trường và rất tiết kiệm so với các sản phẩm thay thế khác.

Bên cạnh đó, sản phẩm được đóng gói với bao bì bắt mắt và phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Than dừa không dính muội than, lại cứng, không thể vỡ nếu va đập thông thường khi vận chuyển, thuận lợi trong quy trình vận chuyển và bảo quản.

Đặc tính của than dừa là để đốt cháy, nóng hơn, toả nhiệt trong thời gian lâu hơn, sạch hơn, ít tro, không thải khí carbon khi đốt... Đây là các đặc tính vượt trội giúp sản phẩm ngày càng được yêu thích với thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, than dừa được ưa chuộng tại các thị trường như Saudi Arabia, UAE, Isarel, Palestine, Mỹ, Đức, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc)...

Tại những thị trường này, than gáo dừa không chỉ được sử dụng trong nấu ăn, BBQ mà còn trong lọc nước, làm sạch không khí và y tế.

Halal hiện đang là thị trường tiềm năng của các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng thực phẩm và nông nghiệp. Bà đánh giá thế nào về thị trường này? Có thách thức gì không?

Thị trường Halal là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu, đặc biệt trong thực phẩm và nông sản, nhờ nhu cầu tiêu thụ cao và dân số lớn. Với quy mô hơn 2 tỷ người, đây là thị trường rất tiềm năng và khiến doanh nghiệp phải “thèm khát”.

Tuy nhiên, thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp cũng không hề nhỏ.

Để làm ăn với thị trường này, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt, bao gồm quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói và cần có chứng nhận Halal.

Đây cũng là thị trường thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh quốc tế, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp luôn cải tiến chất lượng. Do đó, nếu quyết tâm kinh doanh tại thị trường này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chất lượng, chứng nhận và hiểu rõ yêu cầu thị trường để phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần chú trọng “thực chất, thực lực”, lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với ngành hàng và phân khúc thị trường mình nhắm đến.

Saudi Arabia là một quốc gia Hồi giáo hàng đầu và là trung tâm kinh tế của khu vực Trung Đông. Nước này đã và đang đóng vai trò một đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường Halal… Là doanh nghiệp đã và đang làm ăn với Saudi Arabia, bà đánh giá thế nào về thị trường này? Theo bà, doanh nghiệp cần làm gì để đưa các sản phẩm Halal vào thị trường này?

Nhờ vào nhu cầu tiêu thụ cao và vị thế trung tâm kinh tế của khu vực Trung Đông, Saudi Arabia là một thị trường Halal lớn, đầy tiềm năng; đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, nông sản.

Với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia, đất nước Trung Đông mang lại cơ hội lớn cho các sản phẩm chất lượng, đặc biệt là thực phẩm Halal.

Bên cạnh tiềm lực về kinh tế, quy mô thị trường lớn, tính trung thành với đối tác, tính tuân thủ quy tắc tôn giáo và kinh doanh chuyên nghiệp tại thị trường này rất cao. Đất nước này có sự kết nối với phần còn lại của thế giới rất chặt chẽ, do vậy tính cạnh tranh khi kinh doanh tại Saudi Arabia cũng là vấn đề lớn.

Do vậy, để thâm nhập thành công tại Saudi Arabia, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo các sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Halal, tính chuyên nghiệp và cam kết với chất lượng và số lượng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng và nhân viên Công ty cổ phần Cao nguyên Bình Phước chụp cùng đối tác Dubai tại nhà máy sản xuất than dừa. (Ảnh: NVCC)
Doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, từ đó, cùng nhau đưa hàng Việt “phủ sóng” rộng rãi tại thị trường Halal.

Ngoài ra, việc hiểu rõ thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng địa phương là rất cần thiết để sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Doanh nghiệp cũng cần thiết lập các mối quan hệ bền vững với đối tác địa phương để mở rộng kênh phân phối, tối ưu hóa giá thành, đồng thời, duy trì chất lượng sản phẩm ổn định để cạnh tranh hiệu quả với các đối tác khác.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng một “hạm đội”, để cùng nhau tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về thị trường này. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, từ đó, cùng nhau đưa hàng Việt “phủ sóng” rộng rãi tại thị trường Halal.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Từ phía doanh nghiệp, bà có đề xuất gì với các Bộ, ban, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường Halal?

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Halal, từ góc độ doanh nghiệp, tôi đề xuất một số hỗ trợ từ các Bộ, ban, ngành như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ chứng nhận Halal. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và đạt chứng nhận Halal quốc tế. Chứng nhận này được xem là “giấy thông hành”, mang yếu tố quyết định để sản phẩm Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường Hồi giáo.

Thứ hai, tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức. Các cơ quan Nhà nước cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về tiêu chuẩn Halal cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ hiểu rõ quy trình, yêu cầu sản xuất, chế biến thực phẩm Halal.

Để thâm nhập thành công tại Saudi Arabia, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo các sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Halal, tính chuyên nghiệp và cam kết với chất lượng và số lượng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Thứ ba, tạo kết nối quốc tế. Các cơ quan Nhà nước nên thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế, tổ chức các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội giao thương tại các quốc gia Hồi giáo.

Thứ tư, hỗ trợ chính sách. Chính phủ cần cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Halal, nhằm giảm chi phí và khuyến khích đầu tư vào ngành này.

Trở lại với sản phẩm than dừa - sản phẩm nhỏ bé, có "giá trị xanh" - bà kỳ vọng thế nào về việc sản phẩm này sẽ “phủ sóng” tại thị trường Halal?

Than dừa, mặc dù là sản phẩm nhỏ bé, chứa đựng "giá trị xanh" nhờ vào nguyên liệu tự nhiên và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Sản phẩm này rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững hiện nay, đặc biệt là trong các thị trường Halal, nơi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe và môi trường.

Các quốc gia Hồi giáo như Saudi Arabia hay các quốc gia vùng Vịnh là những thị trường tiềm năng cho than dừa, đặc biệt trong các ứng dụng như nấu ăn, BBQ, làm sạch không khí và sản xuất mỹ phẩm.

Để thành công tại các thị trường này, than dừa cần cam kết chất lượng sản phẩm bền vững, giá cả cạnh tranh, đảm bảo quy trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đồng thời, cần nâng cao đổi mới và cải tiến công nghệ để cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất và cải thiện giá thành.

Ngoài ra, việc nhấn mạnh tính bền vững và thân thiện với môi trường của sản phẩm sẽ giúp thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng Hồi giáo, vốn rất coi trọng yếu tố này.

Tôi kỳ vọng, trong tương lai, than dừa sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại thị trường Halal, các quốc gia vùng Vịnh và cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.

Hiện nay, sản phẩm than gáo dừa của HighlandBP đã có mặt trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ và sẽ bổ sung danh mục thị trường phủ sóng hàng năm. Đây một minh chứng cho sự phát triển bền vững của ngành, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!