Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: MPI) |
Chiều 14/10, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được tổ chức do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức tập trung ở trung ương kết hợp trực tuyến tại địa phương. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham gia của khoảng 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ trưởng, các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), đối tác nước ngoài, đại diện hợp tác xã, tổ chức, cá nhân được khen thưởng; các doanh nghiệp điển hình tiên tiến... Tại đầu cầu các địa phương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các Sở, Ban, ngành liên quan...
Số lượng, vai trò của KTTT và HTX ngày càng tăng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức các quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường. Vị trí, vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, khu vực KTTT, HTX đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp.
Về tổ hợp tác (THT), đến nay, cả nước có hơn 101.400 THT, tăng 0,58% so với năm 2003; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%; có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, tăng 11,2%; doanh thu bình quân đạt 408 triệu đồng/1 THT/1 năm, tăng 75,7%; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/1 lao động/1 năm, tăng 21%...
Về HTX, toàn quốc có 22.861 HTX, tăng 59% so với năm 2003; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; doanh thu bình quân đạt hơn 4,4 tỷ đồng/1 HTX/1 năm, tăng gấp 5,2 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/1 năm, tăng khoảng 133%... Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 HTX thành lập năm mới năm 2003 lên 2.521 HTX thành lập mới năm 2018, tăng gấp 2,6 lần, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp .
Về Liên hiệp HTX, cả nước có 74 LH HTX tăng 49 LH HTX so với năm 2003, cả giai đoạn 2003-2018 thành lập mới 51 LH HTX, giải thể 28 liên hiệp. Các LH HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7%; thu hút 375 HTX thành viên, tăng 324 thành viên so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,2 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động là hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 liên hiệp là 944 triệu đồng/năm...
“Mặc dù vậy, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước", ông Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triến khu vực KTTT, HTX nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức, có biểu hiện thành tích; công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương; công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống; công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MPI) |
Liên kết, hợp tác xây dựng HTX kiểu mới
Phát biểu tại sự kiện, đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập hiện nay, để phát triển KTTT, HTX, con đường tất yếu là xây dựng những HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với doanh nghiệp để hội nhập và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận định việc phát triển cả về chất và lượng các HTX nông nghiệp là xu hướng đúng và trúng, ông Cường cũng chỉ ra những hạn chế như số lượng HTX tuy đã tăng qua các năm nhưng còn quá ít so với 8,6 triệu hộ nông dân hiện nay nên khó khăn trong việc tái cơ cấu và có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, tỉnh thì rất nhiều và tỉnh lại rất ít.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường; tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bố sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn; hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quán lý nhà nước về KTTT.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX từ các tổ chức quốc tế. Chủ trì, tham gia các hội nghị quốc tế về HTX, thành lập Diễn đàn các tổ chức quốc tế để hỗ trợ khu vực HTX.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban chỉ đạo KTTT Trung ương đã chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, số THT, HTX hoạt động chưa hiệu quả vẫn còn nhiều, năng lực cạnh tranh thấp, một bộ phận người dân chưa tin tưởng với mô hình HTX kiểu mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển HTX và THT là nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, đặc biệt đề cao tính tự nguyện của người dân. Các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý để kinh tế tập thể THT, HTX hoạt động thuận lợi hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe các tham luận trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghi, báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, cùng thảo luận, chia sẻ về những thành tựu, bài học kinh nghiệm phát triển KTTT, HTX; trao bằng khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh.