Đảm bảo lực lượng nhân sự phúc lợi xã hội và bảo vệ trẻ em, nhất là sau khi Covid-19 qua đi để lại những ảnh hưởng sâu sắc là bài toán không dễ. (Nguồn: UNICEF) |
Phiên thảo luận được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ II hướng tới thực hiện Bảy chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực với trẻ em (INSPIRE) trong bối cảnh Covid-19,
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, trường đại học.
Phiên họp nhằm hướng tới thúc đẩy tăng cường nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội và công tác xã hội cho hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo ứng phó hiệu quả với tất cả các hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột cũng như giải quyết các yếu tố dễ bị tổn thương và rủi ro đối với gia đình trong bối cảnh mới.
Cam kết của Việt Nam
Tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam luôn xác định việc thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả”
Theo bà Nguyễn Thị Hà, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội và Lộ trình thực hiện Tuyên bố đã được Cấp cao ASEAN lần thứ 37, lần thứ 38 thông qua và ghi nhận.
Tiếp nối những thành công và nỗ lực của khu vực, Việt Nam cam kết thúc đẩy các hoạt động ở cấp quốc gia để thực hiện Tuyên bố Hà Nội và Lộ trình của Tuyên bố với các giải pháp và hành động cụ thể, hướng tới nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ liên quan, trong đó có việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các chương trình, đề án về trẻ em.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh lại 6 điểm trong Tuyên bố gồm: (1) Củng cố, kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em, bảo đảm nhân lực phụ trách công tác trẻ em; (2) Phát huy nguồn nhân lực xã hội hỗ trợ trẻ em; (3) Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em;
(4) Xây dựng chuẩn năng lực cho đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em; (5) Xây dựng, triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo theo chuẩn năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; (6) Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, dự báo và tích cực giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực".
Nhiều khuyến nghị ý nghĩa
Tại Phiên họp, nhiều vấn đề tổng quan, quan điểm về trẻ em được đại diện đến từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia chia sẻ tích cực.
Các đại biểu và diễn giả thảo luận về những thành tố chính để tăng cường nguồn nhân lực, tiến bộ trong khu vực, những khoảng trống và các thực hành tốt để thúc đẩy hành động nhằm nâng cao sự nhìn nhận công tác xã hội như một nghề.
Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức cũng như nhiều đại biểu kêu gọi tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, nguồn nhân lực dịch vụ xã hội và công nhận rằng để ứng phó hiệu quả với bạo lực trẻ em cần một hệ thống vận hành tốt với nguồn nhân lực dịch vụ xã hội là trung tâm.
Phiên họp đã đưa ra nhiều khuyến nghị về việc các quốc gia cần mở rộng, chuyên nghiệp hóa, đào tạo và phân bổ ngân sách cho nguồn nhân lực để có thể cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn; nhân viên công tác xã hội cần có các công cụ cần thiết để hỗ trợ cho trẻ em;
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống quản lý trường hợp ứng dụng kỹ thuật số an toàn để giúp nhân viên công tác xã hội hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.