📞

Xây dựng thành phố thông minh - Nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới

Hải An 18:12 | 02/11/2021
Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững.
Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021.

Ngày 2/11, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021 (ASOCIO - VIETNAM Smart City Summit 2021) chính thức được khai mạc với chủ đề “Thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế”.

Tham dự phiên khai mạc hội nghị có ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Chủ tịch ASOCIO David Wong, cùng cán bộ, lãnh đạo của 59 tỉnh, thành kết nối 70 điểm cầu trực tuyến. Tổng cộng có trên 1.300 đại biểu tham gia theo dõi đến từ 12 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung, Bộ TT&TT đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu trực tuyến tại sự kiện.

Tuy nhiên, phát triển thành phố thông minh (Smart City) là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi chúng ta liên tục phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai”.

Thứ trưởng Phạm Huy Dũng khẳng định: “Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021 là cơ hội rất lớn để các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế cùng chia sẻ, thảo luận, cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh”.

Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định: “Xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới.

Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển”.

Theo ông Khoa, cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.

Chủ tịch ASOCIO David Wong.

Trong khi đó, ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO cho rằng, hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 2050, sẽ có gần 7/10 người sống ở các thành phố.

Tuy chỉ chiếm 2% diện tích thế giới nhưng các thành phố đang chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu và tiêu thụ 60-80% năng lượng.

Việc đô thị hóa nhanh chóng đã tạo thêm những thách thức như bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Vì vậy, theo ông Wong, hội nghị lần này tập trung vào chủ đề thành phố thông minh và rất phù hợp với nhiều sự phát triển toàn cầu hậu Covid-19.

Trong 5 năm qua, xu hướng phát triển Smart City vẫn đang là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các nền kinh tế trong khu vực.

Chính phủ các nước ASEAN cũng đã hưởng ứng thành lập Smart City Network (ASCN) với sự tham gia của 26 thành phố trong khu vực. ASOCIO đã thành lập riêng Ủy ban Smart City để thúc đẩu xu hướng này.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. 5 năm qua, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh.

Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai cao nhất 100% (6/6 địa phương đã triển khai). Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển ĐTTM; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.

Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã được vinh danh về nỗ lực này không chỉ với Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020-2021 mà cả Giải thưởng Smart City của ASOCIO vào năm 2019.

Đại dịch Covid-19 không những không kìm hãm được xu hướng Smart City mà thậm chí còn làm động lực phát triển nhanh hơn nữa tiến trình này. Các thành phố đang coi Smart City và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ tại hầu hết các thành phố trên thế giới và trong khu vực.

Sự chia sẻ và liên kết giữa các thành phố, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong xu hướng này sẽ giúp các thành phố trở lại nhịp độ phát triển, cuộc sống của người dân sẽ sớm bình an, thịnh vượng.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức diễn ra trong 5 ngày từ 2-6/11 trên nền tảng trực tuyến.

Trong lần thứ 5 được tổ chức, sự kiện thường niên này dự kiến sẽ có trên 10.000 đại biểu tham gia và theo dõi 15 phiên hội nghị và hoạt động kết nối kinh doanh, triển lãm trực tuyến.

Lịch trình hội nghị gồm 4 chuyên đề với 12 phiên thảo luận từ 2-6/11, cụ thể:

Trong ngày đầu tiên, 2/11, Hội nghị diễn ra Chuyên đề số 1 với chủ đề Chính quyền số, gồm 3 phiên hội thảo: Leaders' Talk - Hội nghị các nhà lãnh đạo; Thành phố thông minh – Kinh nghiệm và giải pháp từ ASOCIO; Xây dựng quản lý vận hành thành phố thông minh dựa trên định hướng dữ liệu.

Ngày 3/11: Chuyên đề 2 - Bất động sản thông minh gồm 3 hội thảo:

Bất động sản thông minh – Xu hướng và Giải pháp;

AIoT & Bảo mật thông tin: Góc nhìn từ Singapore;

PropTech trong điều hành, quản lý và giao dịch bất động sản.

Ngày 4/11: Chuyên đề 3 – Khu công nghiệp thông minh với các phiên:

Khu công nghiệp thông minh;

Thành phố thông minh – Kinh nghiệm và Giải pháp từ Đài Loan;

AIoT và An toàn thông tin.

Ngày 5/11: Chuyên đề 4 – Nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh với 3 hội thảo:

Hội thảo giới thiệu các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực;

Chuyển đổi số cho các ngành sản xuất;

Chuyển đổi số cho sản xuất thông minh Thành phố thông minh – Kinh nghiệm và Giải pháp từ Đài Loan.

Ngày 6/11: Chuyên đề 5 – Startup với thành phố thông minh.