Là quốc gia có diện tích sa mạc rất lớn, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) rất cần mưa. Chỉ cần có thêm lượng mưa vài cm mỗi năm, quốc gia này có thể giải quyết được nhiều vấn đề liên quan tới mùa màng và hạn hán. Chính vì vậy, UAE đã chi 400.000 USD cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khí quyển (NCAR), một viện nghiên cứu của Mỹ được Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ tài trợ vào việc nghiên cứu cách thức xây dựng một ngọn núi nhân tạo nhằm mục đích tác động đến thời tiết. Theo trang web Arabian Business có trụ sở tại Dubai (Thủ đô UAE), các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn "nghiên cứu xây dựng mô hình chi tiết" của dự án.
Cuộc sống đô thị xa hoa ở Dubai (Thủ đô UAE) với những tòa nhà chọc trời. |
Ý tưởng này nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng, nhưng nó dựa trên một khái niệm khí tượng gọi là "lượng mưa theo địa hình": lượng không khí ẩm ở một phía của ngọn núi tăng lên, sẽ tạo thành những đám mây. Những đám mây sau đó sẽ kết lại dẫn đến mưa trên sườn núi đó (khu vực ở phía bên kia núi sẽ chỉ có "mưa bóng mây" - có rất ít mưa).
UAE được xếp hạng là một trong những nước khô cằn nhất trên Trái Đất, phải “đếm từng giọt nước”. Tính trung bình, UAE chỉ có khoảng 10cm nước mưa mỗi năm. Do thiếu mưa, kết hợp với nhiệt độ có thể lên đến hơn 40 độ C và lượng tiêu thụ nước rất cao, dự trữ nước tự nhiên của nước này sẽ sớm cạn. Ở những nơi như Abu Dhabi, một người tiêu thụ trung bình hơn 500 lít nước mỗi ngày khiến lượng nước ngầm ở đây dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới. Đó là một vấn đề không chỉ các đô thị gặp phải mà còn ảnh hưởng tới khu vực nông thôn của nước này.
Để giải quyết, UAE đã coi dự trữ nước là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là các biện pháp cắt giảm lượng nước sử dụng trong nông nghiệp và tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Chính quyền Abu Dhabi gần đây đã tăng giá điện và nước để khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm.
UAE cũng áp dụng khoa học để giải quyết vấn đề thiếu nước bằng cách làm mưa nhân tạo. Năm ngoái UAE đã chi gần 560.000 USD cho 186 dự án tạo mây. Công nghệ biến đổi thời tiết làm tăng cường khả năng của đám mây biến thành mưa bằng cách tiêm các hạt hóa chất nhỏ li ti có tác dụng làm ngưng tụ nước.
Một nhà khí tượng học của UAE nói rằng, công nghệ này đã góp phần tạo ra lượng mưa kỷ lục vào tháng 3/2016, trong đó có hơn 25cm nước mưa rơi xuống trong một ngày, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định chắc chắn về hiệu quả thật sự của công nghệ này.
Theo Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển Quốc tế (IED), mỗi năm, nhóm các nước kém phát triển nhất thế giới (gồm 48 quốc gia) sẽ cần khoảng 93 tỉ USD, trong đó, 58 tỉ USD dành để cắt giảm lượng khí thải độc hại và khoảng 39 tỉ USD để đối phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Như vậy, nếu tính cho cả giai đoạn từ 2020 - 2030, nhóm nước này sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD để thực hiện chống biến đổi khí hậu. |
Xây dựng một ngọn núi là một trong những đề xuất nhiều tham vọng và tốn kém hơn nhằm làm tăng lượng mưa. Ước tính chi phí xây dựng một ngọn núi nhân tạo ở Hà Lan lên đến 432 tỷ USD. "Nếu dự án này là quá tốn kém đối với chính phủ, một cách logic là dự án sẽ không được thông qua, nhưng điều này sẽ mang lại một ý tưởng về những lựa chọn khác cho tương lai" - Roelof Bruintjes, nhà khoa học của NCAR chuyên về biến đổi thời tiết, trả lời tờ Arabian Business.
Nhưng nỗ lực đó của chính phủ có thể không hiệu quả nếu các thông điệp về tiết kiệm nước bị lu mờ bởi lối sống xa hoa và tiêu thụ nhiều nước sạch của một bộ phận cư dân UAE.
Nông dân cũng là một phần của vấn đề. Hãng Reuters đưa tin, một số nông dân vẫn thực hiện các phương pháp tưới nước truyền thống đang làm khô cạn những giếng nước.
"Trồng cọ làm tốn nhiều nước", một người dân nói với Reuters về loài cây trồng chính, phổ biến của người dân địa phương. "Nhưng những cây cọ được trồng từ thời tổ tiên của chúng tôi là di sản của chúng tôi. Nếu chúng tôi thôi trồng cọ, việc này sẽ giống như bỏ rơi con của mình vậy"./.