Chúng tôi cùng hòa vào dòng người đông đúc, vui vẻ đi bộ hoặc đi xe máy dọc theo con đường dẫn vào ngôi chùa cổ.
Ông Kim Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tri Tôn và thành viên Ban Tổ chức cuộc đua, cho biết lễ hội này được tổ chức hàng năm. “Theo quan niệm của người dân, phong tục đua bò có ý nghĩa rất đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao không những mang lại vinh dự cho chủ nhân của chúng mà còn đem đến cho cả phum sóc niềm vui. Họ tin rằng việc gieo trồng sau đó sẽ dễ dàng, mang lại mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm”, ông nói.
Sau cuộc đua, dân làng chọn ra những con bò tốt nhất để nhân giống, phục vụ canh tác.
Ông Hiền cho biết, năm 1992, chính quyền hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã nhận ra tầm quan trọng của phong tục đua bò truyền thống, họ quyết định nâng tầm lên thành lễ hội cho cả vùng Bảy Núi - nơi có rất đông đồng bào Khmer sinh sống. Hai huyện luân phiên tổ chức đua bò hàng năm: huyện Tri Tôn tổ chức lễ hội vào những năm chẵn, còn Tịnh Biên tổ chức vào những năm lẻ.
Nằm gần chùa Tà Miệt, đấu trường là một khu ruộng hình chữ nhật ngập nước lấp xấp, dài 160m và rộng 60m, bao quanh bởi một bức tường đất. Đường đua rộng 8m.
Một đám đông xúm quanh xem ông Chau Chiêu, một lão nông Khmer có dáng vẻ khắc khổ, đang kiểm tra đôi bò của mình.
"Người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng có lễ hội đua Ghe ngo, còn người Khmer chúng tôi ở An Giang có lễ hội đua bò. Nếu anh chưa từng tham dự cả hai lễ hội, không thể nói rằng anh đã hiểu văn hóa của người Khmer Nam Bộ", ông vui vẻ bảo tôi.
Ông Chau Chiêu có nhiều kinh nghiệm nuôi bò và từng huấn luyện được sáu cặp bò đua đoạt giải thưởng. "Mỗi cặp bò đủ tiêu chuẩn đua phải được nuôi và huấn luyện khoảng 5 năm. Bò đua cần có dáng cao, mặt dài, chân và móng chân chắc khỏe, đuôi dài"- ông Chiêu chia sẻ.
Đúng 7.30 sáng, lễ hội đua bò bắt đầu. Ban Tổ chức cho các cặp bò đua được người chủ điều khiển đi diễu hành trước khoảng 30.000 khán giả.
Khán giả đông nghịt, có rất nhiều người lớn tuổi, thanh thiếu niên, nhà báo và người nước ngoài, còn có cả các nhà sư.
Mỗi lượt đua lần lượt có 2 cặp bò thi đấu với nhau, người điều khiển đứng trên giàn bừa do chúng kéo. Cuộc đua gồm hai vòng, vòng một là vòng “hô”, bò chạy chầm chậm quanh trường đua để khởi động. Vòng sau là vòng “thả”, khi đi ngang điểm xuất phát, người điều khiển dùng roi quất vào mông bò và bò chuyển sang phóng với tốc độ cao, lao về đích trong tiếng vỗ tay rầm rập và những âm thanh ồn ào của trống và kèn.
Một cặp bò vượt lên trước, cặp kia bám theo sát. Chúng đạp nước bắn tung tóe trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của người xem.
Vòng “thả” này đòi hỏi người điều khiển phải vừa gan dạ vừa khéo léo, để đứng vững trên giàn bừa mà không bị ngã ra khỏi đường đua.
Quang cảnh này làm tôi chợt nhớ cảnh các cuộc đua xe ngựa khốc liệt trong những bộ phim về thời đế chế La Mã.
Đến cuối lễ hội, cặp bò của ông Chau Chiêu đoạt giải nhì. Tôi được biết, giá trị của các con bò thắng cuộc sẽ tăng lên gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba. Nhưng người chủ sẽ không bán chúng mà sẽ giữ lại nuôi, như những “báu vật” của gia đình họ.
Ông Võ Văn Thành, một khán giả, cho biết năm nào ông cũng đi xem đua bò. "Xem nhiều nhưng tôi vẫn thích, và sẽ còn đi xem đến lúc nào già yếu không đi nổi nữa” - ông cười hóm hỉnh, mắt nheo nheo dưới nắng.