Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2014 ở Davos, Thụy Sỹ. (Nguồn: Reuters) |
Các quan chức chính quyền Nhật Bản cho hay, Thủ tướng Abe sẽ không trình bày danh sách các kiến nghị với phía Tehran, cũng không chuyển đi thông điệp từ phía Washington, thay vào đó, ông mong muốn duy trì lập trường rằng Nhật Bản là một bên trung gian hòa giải trung lập.
Ông Michael Bosack - cố vấn đặc biệt về mối quan hệ của chính phủ tại Hội đồng Yokosuka nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, điều đó có thể hữu ích.
Chuyên gia này nói: "Nhật Bản bày tỏ thiện chí đi theo con đường của riêng mình trong chính sách Trung Đông. Những nhân tố này giúp Thủ tướng Abe có vị thế tốt hơn để can dự với Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, và đồng nghĩa với việc các phương án do Nhật Bản đề xuất có thể cho phép các nhân vật cứng rắn ở Iran xem xét 'đường ngách', từ đó không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc chấp thuận các giải pháp mang hơi hướng 'phương Tây".
Dự kiến, Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống Hassan Rouhani và Lãnh tụ tối cao Khamenei trong khuôn khổ chuyến thăm Iran từ ngày 12-14/6 tới - đánh dấu lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật Bản thăm nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ năm 1978, một năm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tại quốc gia Trung Đông này.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour nhận định: "Chuyến thăm của Ngài Abe diễn ra ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Nhật Bản, vì thế người Mỹ muốn sử dụng kênh ngoại giao này".
Theo ông, Iran sẽ "công bố quyền lợi và lập trường của mình, và bên còn lại có thể công bố thông điệp của Tổng thống Mỹ".
Tuy nhiên, mặc dù Nhật Bản có quan hệ lâu dài với Tehran và đang hâm nóng quan hệ với Washington, giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe hầu như không có tác động đáng kể nào đối với mỗi bên và Tokyo sẽ phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành vai trò hòa giải.
Trong khi đó, ông Bosack cho rằng "khó có thể" kỳ vọng vào kết quả rõ rệt từ chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Iran.
Ông chia sẻ: "Ngay bây giờ, trọng tâm là giảm thiểu xung đột quân sự, có nghĩa là Thủ tướng Abe có thể tận dụng ngoại giao con thoi để duy trì liên lạc. Chỉ riêng ngoại giao con thoi có thể đủ để giảm leo thang căng thẳng".