Xuất khẩu LNG của Mỹ giảm trong tháng 8 do nắng nóng kéo dài, khiến các nhà máy điện chạy LNG trong nước phải hoạt động với công suất cao. (Nguồn: Reuters) |
Theo số liệu giám sát tàu hàng và nhận định của các nhà phân tích, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm trong tháng 8/2023. Nhiệt độ cao và hạn hán đã ảnh hưởng tới Tây Nam nước Mỹ hồi tháng trước, dẫn tới nhu cầu điện cao kỷ lục và buộc nhà cung cấp phải yêu cầu người dùng tự nguyện giảm mức tiêu thụ.
Nguồn cung khí đốt cho 7 cơ sở xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ đã giảm từ 12,7 tỷ ft khối/ngày trong tháng 7 xuống trung bình 12,3 tỷ ft khối/ngày hồi tháng 8, thấp hơn khá nhiều so với mức kỷ lục 14 tỷ ft khối/ngày hồi tháng 4.
Theo dữ liệu sơ bộ từ nền tảng theo dõi thị trường LSEG Eikon (Mỹ), sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng từ 102,1 tỷ ft khối/ngày trong tháng 7 lên 102,2 tỷ ft khối/ngày trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, nhu cầu rất cao từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, đặc biệt là ở Texas, đã làm giảm lượng dự trữ nhiên liệu này.Ngoài ra, việc tạm dừng hoạt động để bảo trì cũng hạn chế việc xử lý LNG tại hai cơ sở đặt ở Louisiana và Texas của công ty năng lượng Cheniere Energy. Các nhà phân tích dự báo khối lượng khí đốt của Mỹ được chuyển vào các nhà máy xuất khẩu LNG trong tháng 9 sẽ tăng trở lại, khi các cơ sở phục hồi tốc độ xử lý bình thường.
Cũng theo dữ liệu sơ bộ từ LSEG Eikon, đã có 102 chuyến hàng khởi hành từ các cảng của Mỹ vào tháng trước, với 7,32 triệu tấn LNG - thấp hơn một chút so với 7,51 triệu tấn được vận chuyển trong tháng 7.
Điểm đến chính cho LNG của Mỹ là châu Âu, nơi nhận khoảng 52% lượng LNG do Mỹ xuất đi, tiếp theo là châu Á với 30%, Nam Mỹ và Caribbean với 7%.
Đáng chú ý, nhiều tàu đang tránh đi qua kênh đào Panama, nơi tình trạng hạn hán kéo dài đã buộc phải hạn chế lượng vận chuyển hàng ngày. Theo đó, một số tàu chở dầu LNG chọn đi qua kênh Panama hiện có thời gian chờ đợi kéo dài tới hơn 3 tuần.