📞

Xuất khẩu ngày 12-16/9: 'Lướt' UKVFTA, cá tra sang thị trường Anh dự báo tăng ấn tượng; Trung Quốc tăng mua sắn Việt Nam để làm gì?

Vân Chi 12:35 | 16/09/2022
"Lướt" UKVFTA, cá tra sang thị trường Anh năm 2022 dự báo tăng 30%; Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam; Trung Quốc tăng mua sắn xuất khẩu của Việt Nam... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 12-16/9.

"Lướt" UKVFTA, cá tra sang thị trường Anh năm 2022 dự báo tăng 30%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Anh nằm trong Top 10 thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam, chiếm 3% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Anh tăng 3,5% đạt 213 triệu USD.

Riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt trên 7 triệu USD. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt gần 47 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chiếm 79%, cá tra chế biến chiếm 17%, còn lại là cá tra nguyên con chiếm 4%.

Với Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Anh tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). (Nguồn: Báo Công Thương)

Lạm phát tại Anh ở mức cao kỷ lục 40 năm và gần như cao nhất ở các nước châu Âu, nên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế. Do vậy, xuất khẩu tôm, cá ngừ và một số loài cá biển sang Anh giảm mạnh.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng vì cá tra có giá vừa phải, hơn nữa Anh bị thiếu cá thịt trắng do lệnh cấm thuỷ sản từ Nga, nên cá tra trở thành loài cá thay thế trên thị trường Anh, đặc biệt là các sản phẩm fish & chip phổ biến của nước này.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Anh những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực so với đầu năm, nhất là với những mặt hàng như cá tra đang hồi phục mạnh. Với đà tăng trưởng thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh sẽ đạt khoảng 67 triệu USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.

Về lợi thế thuế quan, với Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Nghĩa là cá tra có lộ trình giảm thuế về 0% sau 3 năm. Khi đó, sản phẩm này gần như được nhập khẩu vào Anh với mức thuế 0%.

Có thể thấy, tiềm năng thị trường Anh cho cá tra Việt rất rộng mở. Để tận dụng tối đa các lợi thế từ UKVFTA, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự giác thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất, chế biến; kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững được đề cập tại UKVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

8 địa phương xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu đạt chục tỷ đô tăng thêm 2 là Bắc Giang và Hà Nội.

Trong đó, Bắc Giang đứng thứ 7 với xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng mạnh tới 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 5,26 tỷ USD.

Hà Nội ở vị trí thứ 8 với 11,36 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tương kim ngạch tăng thêm 1,65 tỷ USD.

Trong khi đó, 3 vị trí dẫn đầu vẫn không thay đổi với TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là Bắc Ninh và Bình Dương. Kim ngạch lần lượt của 3 địa phương dẫn đầu là: 32,8 tỷ USD; 30,1 tỷ USD và 24,1 tỷ USD.

Các vị trí còn lại là Thái Nguyên, Đồng Nai và Hải Phòng với kim ngạch lần lượt là: 22,2 tỷ USD; 17,2 tỷ USD và 15,8 tỷ USD. Đáng nói là cả 8 địa phương xuất khẩu chủ lực đều có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Với 167,56 tỷ USD, riêng 8 địa phương nêu trên chiếm 66,33% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 8 tháng đầu năm.

Về hoạt động xuất khẩu chung của cả nước, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu ghi nhận gần 5,5 tỷ USD.

Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 185,44 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 28,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với thu hút FDI, thị trường tiêu dùng nội địa, xuất khẩu là 1 trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế có mức tăng trưởng khá, kể cả trong thời điểm dịch bệnh tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 336 tỷ USD, tăng 19% so với 2020. Trong đó, hai vị trí dẫn đầu xếp hạng các địa phương xuất khẩu nhiều nhất không thay đổi trong 6 năm qua, khi quán quân vẫn là TP. HCM với 44,9 tỷ USD, kế tiếp là Bắc Ninh với 44,8 tỷ USD và Bình Dương đã vượt Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ ba, với kim ngạch xuất khẩu 32,7 tỷ USD.

Riêng Hà Nội xuống vị trí thứ 8, giảm một bậc so với 2020, đạt 15,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8 cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, kim ngạch đạt 339,56 triệu USD, trị giá bình quân đạt 472,9 USD/tấn.

Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trị giá bình quân chỉ đạt 486,5 USD/tấn, giảm 9%.

Tháng 8 cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, kim ngạch đạt 339,56 triệu USD, trị giá bình quân đạt 472,9 USD/tấn. (Nguồn: Công an Nhân dân)

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47,74% về lượng và 45,59% về kim ngạch của nhóm hàng này. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt gần 2,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,063 tỷ USD, tăng 49,13% về lượng, tăng 33,86% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 520 nghìn tấn, kim ngạch đạt 269,21 triệu USD. Bờ Biển Ngà đứng thứ ba với 488,5 nghìn tấn, kim ngạch đạt 221,63 triệu USD, tăng mạnh 86,2% về lượng và tăng 65% kim ngạch. Quốc gia châu Phi chiếm 10,2% về lượng và chiếm 9,5% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước…

Trung Quốc tăng mua hơn 90% sắn xuất khẩu của Việt Nam để làm gì?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 206,55 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,77 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với tháng 7/2022; So với tháng 8/2021 tăng 9% về lượng và tăng 15,1% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 468,5 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 7/2022 và tăng 5,5% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,13 triệu tấn, trị giá 937,69 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 8/2022, xuất khẩu sắn đạt 12,47 nghìn tấn, trị giá 3,84 triệu USD, giảm 61,9% về lượng và giảm 61,9% về trị giá so với tháng 7/2022; So với tháng 8/2021 giảm 52,4% về lượng và giảm 40,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 308,2 USD/tấn, tăng 0,04% so với tháng 7/2022 và tăng 24,1% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 583,99 nghìn tấn, trị giá 170,66 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 8/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,9% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 193,89 nghìn tấn, trị giá 90,9 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 12,7% về trị giá tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 tăng 8,4% về lượng và tăng 14% về trị giá.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,95 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 858,17 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Dù là thị trường cung cấp lớn thứ 2 một số sản phẩm sắn và sản phẩm từ sắn cho Trung Quốc, nhưng mặt hàng này của ta vẫn chưa thực sự đứng vững tại Trung Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong tổng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc thì có tới hơn 65% sản lượng toàn ngành xuất khẩu theo điều kiện giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Chính vì vậy, khi có các chính sách liên quan đến dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đóng cửa đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn doanh nghiệp sắn của Việt Nam.

Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn rất cao. Ngoài sử dụng cho con người, Trung Quốc tăng nhập sắn về để làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho các nguyên liệu khác đang tăng cao.

Sắn và các sản phẩm sắn của Thái Lan đang cạnh tranh mạnh với sắn của Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trọng điểm này. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.

Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.

(tổng hợp)