📞

Xuất khẩu ngày 15-18/6: Vải thiều ‘đắt như tôm tươi’ ở Pháp; ô tô Thái Lan áp đảo thị trường Việt; Trung Quốc tăng mạnh nhập gạo ST24.

Hoàng Nam 06:00 | 18/06/2021
Vải thiều được khách hàng tại Pháp ưa chuộng; ô tô Thái Lan áp đảo thị trường Việt Nam; Trung Quốc tăng nhập gạo ST24… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu (XK) ngày 15-18/6.
Xuất khẩu ngày 15-18/6: Sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được cấp mã vạch, tem chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu sang Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu nông sản sang châu Âu tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nông sản, thủy sản đạt 22,58 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; giá trị XK chăn nuôi đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; giá trị XK thuỷ sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%...

Về thị trường XK của Việt Nam, châu Âu (EU) đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần, sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần).

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam tới EU đạt 59,07 nghìn tấn với trị giá 390,4 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, XK thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ.

XK cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ, Đức và Italy là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%.

EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch XK hạt điều của cả nước.

Về mặt hàng rau quả, ngoài các loại trái cây đã được XK nhiều năm, trong tháng 6/2021, EU cũng đã nhập vải tươi của Việt Nam và dự báo loại trái cây này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh XK sang Pháp, Czech trong thời gian tới.

Trái vải Việt Nam "khai thông" thị trường Pháp

Sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris, lô vải thiều Thanh Hà, Việt Nam gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lần đầu nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng.

Vì thế, doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu nhiều hơn so với dự kiến trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập lô thứ 2 ngay trong tuần này. Như vậy, trong 7 ngày đã có hai lô hàng gần 1 tấn vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.

Khảo sát từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho thấy, nhiều khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu sau khi được nếm thử trái vải Thanh Hà đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng của loại quả này.

Đặc biệt, một số khách hàng người Việt bày tỏ sự xúc động vì từ lâu mới được thấy trái vải thiều Việt Nam được bán chính thức trên kệ tại siêu thị ở Paris. Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 Euro/hộp 1 kg nhưng nhiều khách hàng đã mua tới 5 kg cho cả gia đình thưởng thức, làm quà cho bạn bè người Pháp và khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ hàng nông sản Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/6, lô hàng gần 1 tấn vải thiều được nhập khẩu vào sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Pháp) là lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu có mang theo tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ XK (Cục Xúc tiến thương mại) nhận định, điều này có ý nghĩa “khai thông thị trường” đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định được chất lượng hàng Việt Nam mà còn khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng tại Pháp đối với những sản phẩm chất lượng của Việt Nam.

Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái vải Việt Nam tại Pháp, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức gian hàng quảng bá trái vải Việt Nam tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 vào ngày 19/6 tới đây tại quảng trường Monge, trung tâm Thủ đô Paris.

Thị trường ô tô Việt Nam ngập tràn xe nhập khẩu Thái Lan

Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, đã có 7.407 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 5/2021, đạt giá trị xấp xỉ 150 triệu USD. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Thái Lan đã có bước hồi phục mạnh mẽ khi tăng 15,2% về lượng và tăng đến 46% về giá trị so với tháng 4 (6.427 chiếc, trị giá 102,6 triệu USD).

Cũng theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Indonesia trong tháng 5/2021 chỉ đạt 4.470 chiếc và 55,8 triệu USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 8,7% về giá trị so với tháng liền trước.

Nếu như xe nhập khẩu Thái Lan và Indonesia đang có xu hướng ngược chiều nhau thì xe nhập khẩu Trung Quốc lại gần như đứng yên. Cụ thể, đã có 2.790 ô tô nguyên chiếc xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 5 vừa qua, đạt giá trị hơn 102 triệu USD, nhích nhẹ 3,9% về lượng và 8,4% về giá trị so với tháng 4/2021.

Với cú tăng tốc mạnh mẽ vừa qua, thị phần của các loại ô tô nhập khẩu có xuất xứ Thái Lan đã tăng từ 34% hồi tháng 4 lên đến 49% trong tháng 5. Cú tăng tốc này cũng đồng thời giúp tổng thị phần của ô tô nhập khẩu Thái Lan cộng dồn 5 tháng đầu năm nay chiếm đến 51%.

Cùng với Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc tiếp tục là các nước XK ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam nhiều nhất. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, thị phần xe nhập khẩu từ Indonesia chiếm 28% còn xe nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 15%.

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam

Trong bối cảnh XK gạo của cả nước đang khá trầm lắng thì tình hình XK gạo ST24 và ST25 khá tốt, nhờ thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU tăng mua. Đặc biệt thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất tốt gạo ST24.

Tại thị trường châu Âu gạo ST24 phải đóng thuế nhưng vẫn bán có lời nếu phát triển được diện tích lúa ST24 sẽ tạo ra lợi thế tốt hơn cho gạo Việt Nam. Riêng thị trường Mỹ lại chuộng gạo ST25.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Tổng Giám đốc công ty TNHH LTTP XNK Miền Nam Food cho biết, XK gạo thơm tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh XK gạo cả nước sụt giảm. Trong 5 tháng đầu năm, XK gạo ST21 đạt 18 ngàn tấn, gạo ST24 đạt 22,7 ngàn tấn, gạo ST25 đạt 2,6 ngàn tấn.

“4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất gạo ST24, chiếm 87% trên tổng khối lượng XK, đạt 12.700 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị trường Mỹ lại chuộng gạo ST25, 4 tháng qua cả nước đã XK được 2.300 tấn ST25, thì có đến 95% XK sang thị trường Mỹ tương đương 2.230 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 5 tấn và cả năm 2020 chỉ 1.200 tấn”, ông Kiệt cho hay.

Nhập khẩu quặng và khoáng sản tăng kỷ lục

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu quặng và khoáng sản các loại trong tháng 5/2021 đạt hơn 3 triệu tấn, giá trị hơn 443 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 15,5% về giá trị so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu quặng và khoáng sản đạt hơn 11 triệu tấn, trị giá hơn 1,7 tỷ USD tăng gần 68% về lượng, kim ngạch XK tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu quặng và khoáng sản trong tháng 5 đạt 148 USD/tấn, giảm 12 USD/tấn so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá nhập khẩu quặng và khoáng sản đạt 149 USD/tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê về nhập khẩu hàng hóa từ một số nước/vùng lãnh thổ chia theo mặt hàng, có thể thấy trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu quặng và khoáng sản từ 2 thị trường chính là Australia và Brazil.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ thép trong nước và thế giới tăng cao, kéo theo đó là khối lượng quặng và khoáng sản nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng kỷ lục trong vòng 5 năm qua, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Từ đầu tháng 6/2021, giá quặng sắt đã có xu hướng giảm nhẹ 8 - 9 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 5.

(tổng hợp)