Việc Trung Quốc mở cửa đẩy mạnh thu mua khiến giá tôm hùm ở mức cao, người nuôi có lãi. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Trung Quốc mở cửa, tôm hùm lãi đậm
Những ngày cận Tết, các hộ nuôi tôm hùm tại TP Cam Ranh nơi được xem là "thủ phủ" nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, vui mừng khi thương lái liên tục thu mua để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Văn Minh - người nuôi tôm ở phường Cam Linh (TP Cam Ranh) - cho hay gia đình ông đã chốt bán hơn 1 tấn tôm hùm xanh với giá 800.000 - 900.000 đồng/kg (loại 0,25kg/con trở lên) còn tôm hùm bông hiện lên 1,7 triệu đồng/kg.
Năm nay, việc nuôi tôm khá thuận lợi khi tỉ lệ hao hụt thấp hơn mọi năm. Cuối năm giá bán lại cao nên nhiều hộ nuôi thu lãi khá, nhờ đó có thêm điều kiện để mua sắm Tết đầy đủ hơn.
"Từ đầu tháng 1 đến nay Trung Quốc họ mở cửa trở lại, nên thương lái họ mua mạnh. Hàng đi nhanh không sợ cảnh tắc biên, gần Tết nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tăng mạnh ngoài xuất khẩu các nhà hàng hải sản cũng mua để phục vụ Tết. Năm nay trừ chi phí lồng bè, công nuôi, tiền thức ăn thì các hộ nuôi lãi cả trăm triệu đồng", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm hai tháng trước giá tôm hùm xanh xuống mức 450.000 - 500.000 đồng/kg, người nuôi may mắn thì huề vốn, còn đa phần "lấy công làm lời", thậm chí lỗ.
Theo ông Võ Khắc Én - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, tôm hùm là thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh, với khoảng 87.000 lồng (80% tôm hùm xanh, 20% tôm hùm bông), sản lượng khoảng 1.400 tấn/năm. 80% lượng tôm hùm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, 20% còn lại tiêu thụ nội địa.
Những năm qua, việc tiêu thụ tôm hùm theo đường tiểu ngạch khá bấp bênh, có những thời điểm giá tôm hùm giảm mạnh khiến cho người nuôi thua lỗ nặng. Để tiêu thụ tôm hùm thương phẩm ổn định, thời gian tới ngành thủy sản tỉnh sẽ tập trung phát triển đối tượng nuôi này theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu theo đường chính ngạch.
"Gần Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh thu mua tôm hùm để cung ứng. Việc Chính phủ Trung Quốc cho phép mở cửa khẩu tại biên giới phía Bắc, hoạt động xuất khẩu tôm hùm của Khánh Hòa sang thị trường này diễn ra sôi động, mỗi ngày có cả trăm tấn được thu mua", ông Én nói.
Xuất nhập khẩu nửa tháng đầu năm 2023 đạt hơn 28 tỷ USD
28,26 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong nửa tháng đầu năm 2023 (1-15/1/2023), theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố.
Cụ thể, xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 1/2023 đạt 14,5 tỷ USD. Đóng góp quan trọng vào kết quả này là 5 nhóm hàng chủ lực với kim ngạch từ 1 tỷ USD gồm: điện thoại và linh kiện đạt 2,68 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,84 tỷ USD; máy móc, thiết bị đạt 1,71 tỷ USD; dệt may đạt 1,57 tỷ USD; giày dép hơn 1 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm này đạt 13,76 tỷ USD. Hai nhóm hàng đạt kim ngạch lớn, bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị.
Như vậy, 15 ngày đầu tháng 1/2023, nước ta xuất siêu 0,74 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, là con số kỷ lục về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 43,2 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 223,37 tỷ USD, tăng 8,8% (tương ứng tăng 17,98 tỷ USD) so với năm 2021.
Về tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm 2021. Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 273,63 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng gần 28,5 tỷ USD) so với năm 2021, chiếm 73,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Xuất siêu cả năm ngoái đạt 12,4 tỷ USD, là năm thứ 7 xuất siêu liên tiếp.
Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 26,06 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 233,2 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 14,72 tỷ USD) so với năm trước, chiếm 65% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
"Thuế carbon" - Thách thức mới của doanh nghiệp xuất khẩu
Vừa qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại...
EU cho hay, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM từ tháng 10/2023.
Chính sách trên sẽ ảnh hưởng lớn tới quyết định từ các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, khi họ đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon. Do đó, để những lô hàng không phải “cõng thuế” thì xanh hóa quá trình sản xuất là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp.
EU cho hay, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. (Nguồn: VnEconomy) |
Chia sẻ về lợi ích của sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú, cho rằng ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá.
Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp.
Đối với ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết thời gian qua, phong trào làm điện áp mái khá phổ biến ở các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Với tiêu chí tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện khá tốt, điển hình là phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi.