Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2021 của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, tăng 55% so với cùng kỳ. (Nguồn: Pinterest) |
Tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu hơn 28 tỷ USD
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1-2021 đạt 55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 28,55 tỷ, USD - kim ngạch xuất khẩu trong một tháng cao nhất từ trước đến nay, tăng 55% so với cùng kỳ.
Hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đặc biệt là hàng công nghiệp như điện thoại di động đạt 6,1 tỷ USD (tăng 126% so với cùng kỳ), máy vi tính và linh kiện điện tử đạt 3,9 tỷ USD (tăng 46%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,34 tỷ USD (tăng 59%)...
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều điểm sáng dù khó tránh khỏi những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường chính sụt giảm
Theo Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2021 ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD (giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020).
Giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines trong tháng đầu năm 2021 sụt giảm mạnh 38% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo thứ 2 của Việt Nam, đạt 57.849 tấn, trị giá 30,13 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng đầu năm 2021, vẫn có nhiều đánh giá lạc quan về xuất khẩu gạo trong năm nay, hiện thị trường trường thế giới giá gạo cũng đang có xu hướng tăng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tháng 1/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 400 nghìn tấn, trị giá 144 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng 12/2020. Thị phần sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, tháng 1/2021 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 400 nghìn tấn, trị giá 144 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng 12/2020; so với tháng 01/2020 tăng 88,1% về lượng và tăng 97,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 4,8% so với tháng 01/2020, lên mức 360 USD/tấn.Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh so với tháng 1/2020 do tháng 1/2020 trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong năm 2020, nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 782,85 triệu USD, tăng 22% so với năm 2019. Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào là 4 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2020.
Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong năm 2020 với 95,91 triệu USD, tăng 90,8% so với năm 2019, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,25% trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 7,83% của năm 2019.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 2/2021 đến nay, giá thu mua sắn lát tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) tăng lên mức 5.650 đồng/kg. Các nhà máy tinh bột sắn ở khu vực miền Trung và miền Nam tăng công suất do giá tinh bột thành phẩm, giá phụ phẩm đều cao.
Hà Lan ưa chuộng nhiều loại nông sản Việt Nam
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Hà Lan tăng mạnh.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan không có nhiều biến động, đạt 2,66 tỷ USD, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan đạt 6,85 tỷ USD, giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hà Lan trong 4 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực đạt 2,4 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan đạt 6,27 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong nhóm hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, hạt tiêu, cao su và gạo sang thị trường Hà Lan sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, thủy sản tăng 20,2%; hạt tiêu tăng 20,9%; cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7%. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hạt điều và cà phê trong 4 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực giảm chủ yếu do Hà Lan đã đẩy mạnh nhập khẩu thời gian trước đó.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU là một thị trường năng động. Cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực thương mại rau, củ, quả tập trung trong các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan - nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua.
Lâu nay, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả. Đặc biệt, EVFTA đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan.