Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường. (Nguồn: kenhthoitiet.vn) |
Tăng sức cạnh tranh cho sầu riêng Việt
Phát biểu tại Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 22/7, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: Tiêu dùng sầu riêng đang dần phổ biến tại Nhật Bản. Trong số 4 quốc gia xuất khẩu sầu riêng vào Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan lần lượt đứng đầu. Từ năm 2017 tới năm 2020 tỷ trọng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản đã tăng nhanh chóng, từ 2% lên 49%, với sản lượng 300 tấn.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản lượng sầu riêng đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản gấp 10 lần so với sầu riêng tươi”, ông Tạ Đức Minh nói.
Cũng chính bởi số lượng sầu riêng nhập khẩu vào Nhật Bản tăng nhanh chóng dẫn tới tâm lý chủ quan của nhà cung ứng. Năm 2021, Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm dịch lên 100% với tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, nguyên do đã có trường hợp vi phạm tồn dư chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
“Năm 2021 tại thị trường Nhật Bản có 5 vụ sầu riêng Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó 3 vụ liên quan đến sầu riêng tươi, 2 vụ sầu riêng đông lạnh”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.
Và khi bị nâng mức độ kiểm dịch dẫn tới thời gia lưu kho kéo dài gây tổn thất chi phí cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Quan trọng hơn, dẫn đến rủi ro về chất lượng sản phẩm và khách hàng không còn ưa chuộng.
Tại Australia, sầu riêng đông lạnh Việt Nam bắt đầu có thương hiệu và được ưa chuộng trên thị trường. Thế nhưng, ngay khi có thương hiệu, nhà cung ứng sầu riêng tại Việt Nam lại có hành động cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia chỉ ra: Doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm không có chất lượng tốt nhất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
“Tuy nhiên, Australia là thị trường cao cấp và khó tính có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt, nếu cạnh tranh về giá bằng mọi cách sẽ giảm giá trị thương hiệu”, ông Nguyễn Phú Hoà nhấn mạnh.
Sầu riêng Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt mới đây Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 16%/năm, đứng thứ 3 trên thế giới. Đáng nói, sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu, năm 2021 lên tới 821,5 nghìn tấn.
Dù cơ hội thị trường đã được nhận rõ, tuy nhiên đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đều chung khuyến cáo: Doanh nghiệp cung ứng sầu riêng trong nước buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, cạnh tranh bằng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm cần làm gì để tránh bị "tuýt còi" ở châu Âu?
Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra các khuyến cáo giúp doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm Việt Nam tránh bị các nước EU cảnh báo, thu hồi hoặc trả sản phẩm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm vào thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần lưu ý 3 vấn đề.
Thứ nhất, EU có hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống này cập nhật thường xuyên các vi phạm về an toàn thực phẩm của tất cả quốc gia khi nhập khẩu vào thị trường này.
Tính từ ngày 1/1 đến 22/7, hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU phát đi 2.531 cảnh báo với các sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định khi nhập vào thị trường EU. Trong số này, Việt Nam có 50 cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định EU.
Thứ hai, với chỉ tiêu ethylene oxide (EO), mỗi quốc gia quy định khác nhau về mức tồn dư EO. Ví dụ, thị trường Mỹ, Canada quy định chỉ tiêu EO với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7 mg/kg. Trong khi đó, EU, tùy từng loại, nhưng quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2 mg/kg.
Thứ ba, giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được 3 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo của một số nước thuộc EU, gồm có Đức, Ba Lan và Malta.
“Doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý, khi có sản phẩm bị cảnh báo tại thị trường EU thì sản phẩm đó có thể bị thu hồi, tiêu hủy hoặc trả lại nơi sản xuất… Nói chung tùy thuộc mức độ vi phạm và EU sẽ quyết định việc này chứ không phải tất cả doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU sẽ bị thu hồi”, ông Nam nói.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.
Ông Hòa cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và những biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cũng tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người đối với những hóa chất thế hệ mới, đa tính năng, có khả năng xuất hiện trong thực phẩm đã được nhà khoa học trong và ngoài nước nhận diện, cảnh báo để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp điều kiện Việt Nam và hài hoà với thế giới, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ cho hay.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may cán mốc 23 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến nay đã chạm mốc 23 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 đang khiến đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước cũng khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%.
Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường và đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB, ODM.
Việt Nam "bỏ túi" 29,17 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại, linh kiện
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện đạt trị giá 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước.
Nửa năm đầu 2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện đạt trị giá 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. (Nguồn: ICT News) |
Dữ liệu cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 53,7%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 6,45 tỷ USD, tăng 16,6% và xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 29,8%... so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm 7,7% khi chỉ đạt 3,2 tỷ USD.
Đối với nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 6 đạt trị giá 5,17 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 quý/2022 đạt 27,68 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 7,32 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 5,89 tỷ USD, tăng 12,1%; sang thị trường EU(27) đạt 3,73 tỷ USD, tăng 18,5%; sang thị trường Hong Kong đạt 2,88 tỷ USD, tăng 1,3%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,79 tỷ USD, giảm 5,1%...