Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam – EU hậu Covid-19" do EuroCham phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu tăng ấn tượng nhờ "cú huých" EVFTA
Tại Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid-19" ngày 25/11, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết ngay cả trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu vẫn tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều đạt 59,45 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 41,11 tỷ USD, tăng 0,8%.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, xuất - nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực.
“Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao”, ông Thái cho hay.
Doanh nghiệp cá tra tiếp tục vật lộn với Covid-19
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, năm 2021 là năm chật vật dịch bệnh Covid-19 của các DN XK cá tra Việt Nam. Kể từ cuối tháng 7/2021, dịch bệnh đã đi sâu vào các nhà máy chế biến cá tra tại miền Tây khiến cho nhiều DN buộc phải đóng cửa, thực hiện “3 tại chỗ” hoặc giảm tối đa công suất. Cho dù nhu cầu NK của nhiều thị trường tương đối cao nhưng thiếu công nhân nên không đáp ứng được các đơn hàng.
Mỹ là mảng sáng nhất trong bức tranh XK cá tra Việt Nam trong năm nay. Riêng tháng 10, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng gần gấp đôi so với tháng trước.
Tháng 10/2021, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 42 triệu USD, mức cao nhất trong top 10 thị trường XK cá tra lớn nhất, tăng gần gấp 2 so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 289,6 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tốc độ tăng trưởng quý 4 cuối năm sang thị trường Mỹ được giữ vững thì nhiều khả năng Mỹ trở về vị trí là thị trường XK cá tra lớn nhất của DN Việt Nam trong năm nay. Cho tới thời điểm này, nhu cầu NK sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra từ Việt Nam của khách hàng Mỹ vẫn khá tốt. Giá XK trung bình sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sang Mỹ tăng liên tục kể từ quý 2 tới nay. Tới cuối tháng 10/2021, giá XK cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng 0,55 - 0,58 USD/kg so với tháng 6/2021.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc đối mặt với thiếu nguyên liệu
Theo VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt 66,8 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc đạt 473,8 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và 9, XK mực, bạch tuộc đã phục hồi trong tháng 10.
XK mực, bạch tuộc Việt Nam vẫn chịu tác động của dịch Covid-19 và nguồn cung nguyên liệu sản xuất giảm. Ngoài ra, hoạt động XK cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao. Hàn Quốc, Thái Lan, EU, Mỹ vẫn là những thị trường có nhu cầu ổn định trong NK mực, bạch tuộc của Việt Nam. XK mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đã tăng từ tháng 8 đến nay.
Về cơ cấu sản phẩm XK, giá trị XK mực chiếm 51,5% và bạch tuộc chiếm 48,5%. Trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn kéo dài, nhu cầu tiêu thụ vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh…
10 tháng đầu năm nay, XK mực của Việt Nam giảm 1,4% trong khi XK bạch tuộc tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. XK mực khô/nướng tăng 1,7% trong khi XK mực chế biến giảm 7,2%. XK bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh tăng 12,5%. Đây cũng là sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tổng số các sản phẩm mực, bạch tuộc XK của Việt Nam.
Top 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Hà Lan chiếm 97% tổng giá xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 41% tổng giá trị XK. Tháng 10/2021, XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 28,8 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu năm, XK mặt hàng này sang thị trường Hàn Quốc đạt 194,5 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ.
Dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga rất lớn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Nhập khẩu từ Nga chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Mặc dù Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng hiện nay, Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga.
Việt Nam cũng đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm là thịt gà/gia cầm chế biến và sữa.
Theo Bộ NNPTNT, thủy sản (gồm các mặt hàng cá tra, tôm, cá ngừ, surimi, cá khô) là ngành có lợi thế mũi nhọn của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga cấp phép rất “cầm chừng”.
Đến nay, mới chỉ có 49 doanh nghiệp được phép trong tổng số gần 200 doanh nghiệp đã nộp đơn. Cơ quan của Bộ NNPTNT đã trao đổi, đề nghị với Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga (FSVPS) đẩy nhanh thủ tục vì đây là các sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp với ngành thủy sản nước lạnh của Nga.
Gỡ khó cho doanh nghiệp trước "bài toán" phòng vệ thương mại
Trong bối cảnh hội nhập, để thích ứng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cần quyết liệt thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại, đảm bảo dòng chảy thương mại xuất nhập khẩu bền vững. Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững", do Bộ Công Thương tham gia tổ chức ngày 25/11/2021.
Đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Dự báo năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 600 tỷ USD. Những con số này đã cho thấy, năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Việt Nam cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại để có thể đảm bảo hiệu quả tiến trình hội nhập. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây cũng là lý do chính khiến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã ứng phó 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng sản xuất của nước ta. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ…
Theo ông Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, phòng vệ thương mại càng trở nên quan trọng đòi hỏi năng lực pháp lý, năng lực tài chính, kế toán rất phức tạp, nên hơn lúc nào hết Việt Nam cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại để có thể đảm bảo hiệu quả tiến trình hội nhập.
Cùng với đó, chúng ta cần sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép. Quá trình điều tra áp dụng phòng vệ thương mại cần khách quan, đảm bảo tất cả các ý kiến của các bên liên quan được tổng hợp, tính toán và cân nhắc cho đúng các quy định chi tiết của pháp luật trong nước và thế giới, từ đó tránh lạm dụng, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.
Các chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.
Cùng với đó, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.