Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VOV) |
Nhiều tín hiệu vui từ xuất khẩu
Tổng cục Thống kê vừa công bố các chỉ số kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2021, trong đó nhiều tín hiệu lạc quan về xuất khẩu.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê ước tính, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trong 11 tháng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính trong tháng 11 đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Mỹ.
Như vậy, trong tháng 11, ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,19 tỷ USD).
UKVFTA tạo sức bật cho giao thương giữa Việt Nam-Anh
Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thống kê trong 10 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 5,5 tỷ USD, trị giá xuất nhập khẩu (XNK) đều tăng 2 chữ số.
Tin liên quan |
UKVFTA đưa thương mại song phương Việt Nam-Anh tăng ngoạn mục |
Đáng chú ý xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh xuất siêu khá lớn, với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2021 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam đạt 706 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng thế mạnh xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh là: điện thoại, dệt may, da giày, sắt thép, thủy sản, rau quả... Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu: máy móc, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hóa chất...
Bình luận về kết quả trên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, UKVFTA đã tạo ra sức bật tốt cho giao thương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Ông Lương Hoàng Thái cũng lưu ý, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường này.
Tương tự, trị giá nhập khẩu của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 0,17% tổng trị giá hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Điều đó có nghĩa là, dư địa thị trường hợp tác giữa 2 nước còn lớn.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự và Giám đốc Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thương mại song phương đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đó. Hiệp định UKVFTA được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song ngay trong năm 2021, thương mại hai bên vẫn tăng trưởng đáng kể, hy vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc tăng đột biến
Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, 9 tháng đầu năm lượng xuất khẩu tăng hai con số.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, bất chấp những khó khăn do Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, tháng 9/2021, trong khi xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Anh và Canada giảm mạnh, xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương so với tháng 8/2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc đã đạt 1,23 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, với giá trị xuất khẩu tăng mạnh, kim ngạch xuất mặt hàng trên sang nước này đã vượt 1,2 tỷ USD của năm 2020 và có thể cán mốc 1,4 tỷ USD khi kết thúc năm.
Hiện, sản phẩm gỗ nguyên liệu xuất sang Trung Quốc chiếm đa số, trong khi đó tỷ trọng của đồ gỗ vẫn còn thấp. Với gỗ nguyên liệu gồm dăm gỗ và gỗ, ván, ván sàn vẫn là 2 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang hồi phục khá mạnh với kim ngạch đạt 951 triệu USD. Hiện, nhu cầu nhập khẩu trên thế giới đang tăng cao cuối năm, nhất là thị trường Mỹ. Do đó, theo Hiệp hội gỗ, đây là cơ hội để tăng xuất khẩu, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ sang Mỹ, phục vụ cho nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ lớn cuối năm.
Ứng phó hiệu quả với phòng vệ thương mại, đảm bảo xuất khẩu bền vững
Tại Tọa đàm trực tuyến "Nâng cao năng lực PVTM hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững" được tổ chức mới đây, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng đáng kể.
“Việc Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì việc hàng hóa xuất khẩu của nước ra nước ngoài bị điều tra về các vụ việc PVTM là điều dễ hiểu và hết sức bình thường. Nhất là đối với những ngành quan trọng, đóng vai trò xương sống của ngành công nghiệp như ngành thép”, ông Thái nhấn mạnh.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam, Khu công nghiệp Hải Dương. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đề cập các biện pháp PVTM, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương khẳng định, PVTM hiện là một phần tất yếu không thể tách rời của quá trình hội nhập quốc tế; là công cụ để đảm bảo cho quá trình hội nhập kinh tế, cũng như đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững.
Thực tế đang cho thấy, xu thế bảo hộ gia tăng, tác động của bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng có nhiều quốc gia càng đẩy mạnh sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê trên thế giới đến nay có 4.500 biện pháp PVTM được áp dụng, các ngành bị áp dụng các biện pháp này nhiều nhất là ngành sắt thép, kim loại cơ bản, hóa chất (phân bón).
Đối với Việt Nam, đến nay đã có 208 vụ việc PVTM của nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và một số mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ…
So với thế giới, công cụ PVTM tại Việt Nam ra đời muộn hơn, do đó, trong giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về PVTM, các doanh nghiệp hầu hết còn lúng túng trong ứng phó.
Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, khi đối diện với nhiều vụ việc nhiều doanh nghiệp thép đều thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia kháng kiện. Việc năng lực ứng phó hạn chế là do doanh nghiệp hiểu về công cụ PVTM chưa đầy đủ, đồng thời khả năng để tham gia kháng kiện còn yếu dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu "khóc ròng" vì giá cước vận chuyển tăng
Khó đặt chỗ là tình hình chung của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi thị trường quốc tế. Không những các doanh nghiệp khó đặt chỗ container rỗng, mà chi phí vận chuyển còn tăng cao, khiến cho chi phí hàng hóa đội lên nhiều lần khi đưa được đến thị trường đích.
Từ tháng 10/2021 đến nay, các hãng tàu CMC, Yang Ming , OOCL, Wan Hai, Mearsk Line, Cosco, ZIM đã tăng thêm từ 2.000-5.000 USD/container 40feet cho các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Australia, Nga.
Với mức tăng như trên, hiện giá đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD/container 40feet; cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên mức 15.000 USD/container 40feet. Đối với container lạnh cũng đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000-14.000 USD/container 40feet.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, mặc dù cước tàu cao nhưng việc đặt trước container, đặt tàu cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu container, thiếu chỗ.
Các DN phải đặt tàu trước 15-20 ngày và buộc phải lên lịch sản xuất phù hợp với thời gian giao hàng và lịch chạy của tàu.
Hiện nay các DN còn gặp phải tình trạng các hãng tàu tự động hủy đặt chỗ trước của DN do có DN khác đồng ý trả cước cao hơn để thế chỗ hoặc không đủ chỗ trên tàu, đẩy nhiều DN vào thế khó.
Ngoài ra, việc cập nhật giá tàu cũng không được các hãng thống nhất giữa các thị trường khiến DN bị thụ động trong việc tính vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
| Xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu tăng ấn tượng nhờ "cú huých" EVFTA, còn nhiều dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ... |
| Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may Theo Đại sứ Ấn Độ tai Việt Nam, dệt may là một trong những ngành cần được chú trọng trong thương mại Việt Nam-Ấn Độ. |