📞

Xuất khẩu ngày 27-31/12: Thủ tướng 'hiến kế' cho ngành nông nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục bất chấp Covid-19

Vân Chi 12:12 | 31/12/2021
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục, cán đích 670 tỷ USD; Trung Quốc tạm thời nhập khẩu thanh long Việt Nam...là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 27-31/12.

Xuất khẩu nông sản không thể mãi là "đường mòn lối mở"

Đây là vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 29/12.

Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thống kê sơ bộ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt kết quả cao kỷ lục với 48,6 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm 2020.

Trong đó, nông sản chính 21,49 tỉ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỉ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, ngày 29/12. (Nguồn: Tạp chí Tài chính doanh nghiêp)

Thủ tướng đánh giá cao kết quả ngành nông nghiệp đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, thiên tai lũ lụt tại miền Trung, nhưng ngành vẫn tăng trưởng 2,85%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng một số sản phẩm của ngành nông nghiệp chưa có thương hiệu, chưa xây dựng thương hiệu mang tính quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tới đây phải triển khai bài bản, đồng bộ từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng KH-CN, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp…

“Đây là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. Không thể “đường mòn lối mở” mãi. Phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan tình trạng ùn tắc nông sản tại một số cửa khẩu, Thủ tướng lưu ý giải pháp lâu dài, căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn.

Đề cập quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng cho biết đã nhiều lần đề nghị hai bên cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa qua biên giới, nhất là các loại nông, thủy sản, hoa quả mùa vụ của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các giải pháp cải thiện hoạt động thương mại với phía Trung Quốc, các tỉnh biên giới phải chủ động làm việc với các địa phương của Trung Quốc để có giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch và xuất khẩu hàng hóa.

Trung Quốc tạm thời ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam

Cơ quan Kiểm soát phòng chống dịch TP. Bằng Tường (Trung Quốc) vừa có thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do phát hiện có virus SARS-CoV-2.

Để ngăn chặn nghiêm ngặt việc nhập khẩu dịch bệnh từ nước ngoài, đảm bảo cảng thông thoáng và trách nhiệm phòng chống dịch của doanh nghiệp theo cơ chế cầu chì, hàng hóa dây chuyền lạnh nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm cả bao bì xe) khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 3 lần trở lên sẽ ngay lập tức tạm ngừng kinh doanh tờ khai nhập khẩu loại hàng này, đình chỉ tờ khai nhập khẩu kinh doanh thanh long 4 tuần, thời gian từ ngày 29/12/2021 đến ngày 20/1/2022 và tự động khôi phục hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn nói trên.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc đơn phương ngừng nhập khẩu thanh long chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến sản lượng cũng như giá bán ở thị trường nội địa.

Ông Nguyên dự báo, tình hình thị trường Trung Quốc hiện tại cũng như sau Tết Nguyên đán vẫn rất khó dự đoán. Nếu nước này tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid, tình hình gián đoạn xuất khẩu ở cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn.

Do đó, các DN xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần cân đối lại sản lượng. Nếu đã có khách hàng, thị trường khác ngoài Trung Quốc thì nên mở rộng, còn nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì phải tính toán lại, nhất là với các loại trái cây có thể tác động để sản xuất trái vụ như xoài, thanh long thì giảm bớt sản lượng từ 30 - 50% so với trước để tránh bị thiệt hại.

Cá tra và hải sản sang Nga tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang Nga đạt gần 150 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu các sản phẩm chính sang Nga đều tăng, trong đó xuất khẩu cá tra tăng 83%, xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều tăng 63%, xuất khẩu các loại cá biển khác tăng 19%.

Tuy Nga chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng sự hồi phục xuất khẩu sang thị trường này là tín hiệu vui trong một năm nhiều biến động vì dịch Covid-19. Chính thị trường Nga cũng đang bị dư thừa nguồn cung thủy sản kể từ cuối năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu thủy sản của Nga.

Với kim ngạch gần 30 triệu USD trong 11 tháng, xuất khẩu cá tra chiếm 19% tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Đầu năm 2021, Nga phê duyệt thêm 25 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này khiến cánh cửa thị trường rộng mở hơn một chút đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sang Nga đạt gần 41 triệu USD, chiếm trên 27% xuất khẩu thủy sản sang Nga. Trong đó, chủ yếu là tôm chân trắng với gần 40 triệu USD.

Xuất khẩu cá ngừ chiếm 8% với trên 12 triệu USD. Xuất khẩu các loại cá biển khác chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 43% với trên 63 triệu USD tính đến hết tháng 11.

Trong đó, riêng sản phẩm chả cá, surimi đạt gần 29 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 19% giá trị xuất khẩu thủy sản sang Nga.

Ngoài ra Nga cũng nhập khẩu nhiều cá chỉ vàng, cá cơm khô của Việt Nam, trong đó, nhập khẩu cá chỉ vàng đạt 17 triệu USD, tăng 4% và chiếm 14% giá trị xuất khẩu thủy sản sang Nga.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục với kim ngạch gần 670 tỷ USD

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng cuối cùng của năm, ước tính kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2021, kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021.

Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Năm 2021, xuất nhập khẩu lập kỷ lục với kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. (Nguồn: VOV)

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.

Liên quan đến nhập khẩu, ước tính tháng 12/2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Quý IV/2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 89,07 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,2% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%.

Trong năm 2021, có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Mặt hàng nào có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến "phi thường" hậu Covid-19?

Theo các chuyên gia của Alibaba, lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá vô cùng tiềm năng. Trong đó, yếu tố tiềm năng đầu tiên đến từ tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

Trong đó, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.

Thứ hai là Việt Nam có lợi thế về nguồn cung cũng như việc sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp hay điện tử.

Thứ ba, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP.... nên sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi về xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia thành viên.

Từ đó, báo cáo của Alibaba đã chỉ ra một số mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu trực tuyến trong năm 2022. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặt hàng được đánh giá là tiềm năng nhất là dầu ăn, tiếp theo là các loại hạt ngũ cốc và hạt giống cây trồng.

Còn đối với nhóm ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, tóc giả là mặt hàng có tiềm năng nhất trong thời gian tới, tiếp đến là các sản phẩm chăm sóc da và đồ trang điểm.