Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Báo Công thương) |
Sức cầu hàng hóa lớn, xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội
Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối của năm 2022, Bộ Công Thương cho biết: "Tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại, nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới".
Dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm.
Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Tin liên quan |
9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn |
Số liệu của Bộ Công Thương, dù sản xuất kinh doanh trong điều kiện còn không ít bất ổn, do những tác động của tình hình kinh tế toàn cầu, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, nhưng trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch 243 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Tín hiệu tích cực là xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao tại các thị trường lớn, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, dù xuất khẩu đang chịu tác động lớn từ chính sách Zero Covid, nhưng 9 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường này đạt mức tăng thấp nhất trong số các thị trường lớn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với khu vực thị trường EU, nhờ tận dụng lợi thế từ EVFTA và Việt Nam ngày càng khẳng định là mắt xích cung ứng hàng hóa lớn trong chuỗi sản xuất, các nhà nhập khẩu EU đã nhập từ Việt Nam 35,7 tỷ USD hàng hóa, tăng 23,8%, xuất siêu sang EU đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc 9 tháng đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3% ...
Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Nhiều yếu tố trợ lực, giá gạo Việt Nam lấy lại ngôi đầu thế giới
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 3/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng 5 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan giảm 1 USD/tấn, gạo Pakistan giảm 5 USD/tấn và gạo Ấn Độ giảm 15 USD/tấn.
Như vậy, với lần điều chỉnh này, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Với mức giá này, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang duy trì vị trí dẫn đầu thị trường thế giới với mức 428 USD/tấn, vượt qua mức đỉnh hồi giữa tháng 3 khoảng 425 USD/tấn. Hiện gạo Việt đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 6 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 40 USD/tấn và gạo cùng loại của Ấn Độ 50 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đến thời điểm này mặt bằng giá gạo của Việt Nam tăng khoảng 40-50 USD/tấn. Hiện thị trường gạo đang chuyển biến tích cực, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam như nguồn cung thay thế nhiều hơn và xu hướng tăng giá vẫn còn tiếp diễn.
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, hiện có yếu tố hỗ trợ giá gạo trong nước: Một là tỷ giá USD/VNĐ đang tăng cao; hai là Philippines và Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại, nên giá gạo xuất khẩu có thể tăng thêm hơn so với hiện tại. Dự báo giá lúa Thu Đông sẽ tốt hơn tạo tâm lý phấn khởi để bà con đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân tới, là vụ lúa chính có lượng hàng hóa rất dồi dào, các nước sẽ tăng nhập hàng để tiêu dùng hoặc dự trữ.
Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, hiện nay những biến động trên thị trường gạo thế giới như chiến tranh, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều nước phải tính toán lại nhu cầu an ninh lương thực của mình. Trong khi đó, nguồn cung gạo của Việt Nam được duy trì ở mức khá ổn định, do đó, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
“Trong bất cứ tình huống nào, chúng ta vẫn đảm bảo được sản lượng 6-7 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Vấn đề là các doanh nghiệp phải tính toán thế nào để bán được với mức giá hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người dân”, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 328.832 tỷ đồng
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 9 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 58,73 tỷ USD, giảm gần 11% so với tháng trước (tương ứng giảm 7,24 tỷ USD).
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,93 tỷ USD, giảm 14,3% (tương ứng giảm 4,98 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% (tương ứng giảm 2,26 tỷ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 73,32 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,64 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 31,68 tỷ USD).
Tin liên quan |
Xuất siêu sang EU tăng ấn tượng nhờ 'cao tốc' EVFTA |
Như vậy, trong tháng 9 cả nước ước xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 9/2022 đạt 31.367 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 328.832 tỷ đồng, đạt 93,4% dự toán được giao, đạt 88,9% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1-3 giây.
Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
9 tháng năm 2022, xuất khẩu điều đạt 2,29 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, tháng 9/2022, xuất khẩu hạt điều đạt 40 nghìn tấn, trị giá 245 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 22,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều ước đạt 382 nghìn tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xung đột giữa Nga-Ukraine đã gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. (Nguồn: VNE) |
Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 6.136 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 7,7% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.992 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Xung đột giữa Nga-Ukraine đã gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm.
Đây sẽ là rào cản khiến Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt điều trong các tháng còn lại của năm 2022, bất chấp nhu cầu tiêu thụ có thể tăng trong dịp cuối năm (theo yếu tố chu kỳ).
Các sản phẩm có giá thành cao nhiều khả năng sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy khả quan.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện tín hiệu khả quan khi nhu cầu nhập khẩu hạt điều của EU, Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Do đó, ngành điều Việt Nam cần khai thác lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường này.
Hiện, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều tăng, ngoại trừ hạt điều W240 và DW. Tỷ trọng xuất khẩu hạt điều W320 chiếm 41,31% tổng lượng và chiếm 45,53% tổng trị giá; hạt điều W240 chiếm tỷ trọng 14,03% tổng lượng và chiếm 16,28% tổng trị giá.
| Việt Nam chưa có thông tin về việc có gỗ Nga trong sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hiện chưa có thông tin về một số sản phẩm gỗ Việt Nam ... |
| Gấp rút gỡ ‘thẻ vàng’ IUU trong năm 2022, tạo động lực cho xuất khẩu thủy sản Việc Ủy ban châu Âu (EC) tới Việt Nam vào cuối tháng 10/2022 để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về IUU, ... |
| Xuất khẩu của Hàn Quốc không còn khởi sắc trong quý IV/2022 Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 5/10 cho hay hoạt động xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ xấu đi ... |
| 9 tháng, xuất khẩu thủy sản tăng 38% Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2022, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 ... |
| Xuất khẩu ngày 23-25/9: Bộ Công Thương tổ chức đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường; Việt Nam đứng đầu ASEAN về xuất khẩu sang Bắc Âu Việt Nam là nước ASEAN xuất khẩu sang Bắc Âu nhiều nhất; 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường ... |