Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. (Nguồn: Báo Lao động) |
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỉ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.
Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là điện thoại và linh kiện. Tiếp theo là nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2022, đặc biệt là trong các tháng của quý I.2022 khi nhu cầu của thị trường này vẫn ở mức cao bởi hậu thuẫn sức mua từ nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, với 11,35 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,39 triệu tấn, trị giá 2,28 tỉ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 24,9% về trị giá so với năm 2020, chiếm 71,4% về lượng và chiếm 69,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm thị trường sữa Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 30 tỉ USD. Nguồn cung sữa trong nước của Trung Quốc chỉ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa, và đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp sữa của Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ dù dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, chuỗi sản xuất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước…
Dư địa lớn cho xuất khẩu gạo thơm sang thị trường châu Âu
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), sau 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU bởi chất lượng gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua đã không ngừng được cải thiện.
Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…
Tin liên quan |
Xuất khẩu gạo vượt khó thời Covid-19 |
Bộ Công Thương cũng dự báo, xuất khẩu gạo sang EU trong năm 2022 sẽ có sự bật tăng với giá trị kim ngạch cao bởi trong năm 2021, EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành, dư địa cho mặt hàng gạo vẫn còn rất lớn khi số lượng này chưa được các nhà xuất khẩu Việt Nam sử dụng hết trong năm 2021. Hơn nữa, cộng đồng người Châu Á tại thị trường EU vẫn duy trì thói quen sử dụng gạo như lương thực chính, sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này.
Dư địa của gạo Việt Nam tại thị trường EU rất lớn khi hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 38 nghìn tấn với trị giá khoảng 27 triệu USD, tăng trên 9,3% về lượng và tăng gần 28,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020. Các chủng loại gạo khác đều tăng mạnh như gạo trắng tăng 40,9%; gạo giống Nhật tăng 137,6%; gạo nếp tăng 323,2%...
Đặc biệt, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa xuất khẩu sang EU khép lại năm 2021 - chào năm mới 2022 với lô hàng gạo lên tới 4.170 tấn gạo. Lô hàng này bao gồm gạo thơm và gạo trắng, được vận chuyển thông qua tàu biển dạng hàng rời.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An, Tân Long sẽ là những doanh nghiệp hàng đầu với quy mô lớn, canh tác khép kín… sẽ đáp ứng các yêu cầu mà thị trường EU đòi hỏi, để khẳng định giá trị gạo Việt tại thị trường cao cấp này.
Tôm tiếp tục là con "át chủ bài" trong nhóm xuất khẩu thủy sản
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,8 tỉ USD/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng 5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. VASEP đánh giá triển vọng ngành tôm đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 5,6 tỉ USD, tăng trưởng 9% hàng năm, tiếp tục là con "át chủ bài" trong nhóm xuất khẩu thủy sản.
Diện tích nuôi tôm của Việt Nam trên 740.000ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trên 80%). Nhấn mạnh về khả năng tăng trưởng của ngành tôm, VASEP cho rằng, các thị trường chính như Hoa Kỳ (20-23%), Nhật Bản (16-18%), châu Âu - EU (15-20%), Trung Quốc (13-15%), Hàn Quốc (9-10%)... là những lợi thế không nhỏ đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 khi nhu cầu của Hoa Kỳ tăng, trong khi đó, nước xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ là Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Điều đáng nói là, Hoa Kỳ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỉ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Trong đó, tôm Ấn Độ giữ vị trí hàng đầu (36-38%), tôm Indonesia xếp vị trí thứ hai (18-20%), Ecuador thứ ba suýt soát Indonesia. Tôm Việt xếp hạng thứ năm với thị phần chưa tới 10%. Như vậy, thị phần tôm sang thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và Việt Nam phải tận dụng được các ưu thế của riêng mình.
Cảng hoạt động công suất tối đa trong những ngày đầu năm mới
Hàng triệu tấn hàng hóa đã xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm ngay trong những ngày đầu năm mới, đem đến kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm mà xuất khẩu Việt Nam tiếp tục bứt phá.
Từ ngày 1-6/2, cảng SP-ITC (TP. Thủ Đức) đón 8 tàu container xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, trong đó có tàu Honiara Chief xuất khẩu gần 600 container đi trực tiếp đến cảng Seattle (Mỹ), hay tàu Ariana chở hàng xuất khẩu trực tiếp đến Australia.
Nhiều lô hàng được sản xuất xuyên tết để kịp xuất khẩu mở hàng đầu năm, tại Tân Cảng Cát Lái tháng 1/2022. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, trong những ngày Tết, trung bình cảng đón hơn 10 chuyến tàu/ngày, sản lượng thông qua 118.097 TEU, tương đương hơn 1,65 triệu tấn hàng hóa.
Các mặt hàng gỗ nội thất, thủy hải sản, gạo, trái cây, hạt nhựa, may mặc, cao su, viên gỗ nén… tiếp tục là những mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao tại cảng trong những ngày đầu năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Theo các doanh nghiệp, dù được dự báo sẽ bứt phá trong năm 2022, nhưng vẫn có những tác động đối với hoạt động xuất khẩu mà doanh nghiệp phải chuẩn bị ứng phó như thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, tắc nghẽn tại nhiều cảng biển lớn và cước vận chuyển đường biển tăng cao. Các yếu tố này đều có thể tác động đến kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, cơ quan chức năng cần dự báo chính sách của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng và thông tin đến doanh nghiệp và địa phương để giúp doanh nghiệp, người sản xuất có phương án sản xuất phù hợp.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa các đối tác xuất khẩu cũng là cần thiết để tránh tình trạng ùn tắc, bị động khi có thay đổi chính sách từ các thị trường lớn.
Ngành rau quả đón tin vui đầu năm
Dù mới bước sang năm mới Nhâm Dần được một vài ngày, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đã đón nhận những tin vui.
Nhiều xe nông sản ở cửa khẩu với Trung Quốc đã được thông quan sớm hơn dự kiến giúp ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD.
Thông lệ hàng năm vào mùa xuân, giá trái cây sẽ ở mức cao do Trung Quốc vẫn còn mùa lạnh, hàng nội địa ít nên cần nhập khẩu trái cây số lượng lớn.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỷ USD giá trị. Từ năm 2019 kể về trước, Trung Quốc từng chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc có lợi thế là thị trường gần, nhưng 2 năm nay giá trị xuất khẩu lại giảm. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc để có giải pháp thích ứng phù hợp; đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu nông sản thực phẩm của họ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Do đó, năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững thì mục tiêu xuất khẩu 3,8 - 4 tỷ USD có thể thành hiện thực.
| Ấn Độ: Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tăng 35% Bộ Thương mại Ấn Độ ngày 30/1 cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của nước này đã tăng 35% lên ... |
| Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 58,5 tỷ USD trong tháng 1 Tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6% và nhập ... |