Một chuyến xe vận chuyển vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) |
Đã có gần 100 tấn vải thiều "cập bến" các thị trường khó tính
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dù mới vào đầu vụ nhưng lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường giá trị cao với những tín hiệu rất khả quan.
Theo đó, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Australia, Anh, EU. Riêng Nhật Bản, chỉ trong 3 ngày từ 4 - 7/6, đã có gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 15/6 vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 3 tấn.
Rút kinh nghiệm từ những vụ vải trước, năm nay, dưới sự hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của từng thị trường, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu.
Dự báo lượng vải xuất khẩu đi các thị trường có giá trị cao sẽ tăng cao hơn so với các năm, góp phần vào thắng lợi chung của vụ vải năm nay.
Dù tín hiệu thị trường khá tốt, tuy nhiên, khối lượng trái vải thiều xuất khẩu đến các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn. Để trái vải thiều Việt Nam có thể đi xa thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, trái vải Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới như Hoa Kỳ, EU… thường bị cạnh tranh mạnh với trái vải của Trung Quốc.
Như tại thị trường Australia, Trung Quốc là nước sản xuất trái vải nhiều nhất thế giới, vụ mùa có từ tháng 2 đến tháng 7. Nông dân Trung Quốc chuyên nghiệp hóa quá trình thu hái, đặc biệt là nhà máy chiếu xạ đặt ngay tại vùng nguyên liệu. Vì vậy, sau khi thu hoạch chỉ trong một, hai ngày trái vải đã có ở siêu thị Australia.
Trong khi đó diện tích trồng vải của Việt Nam bằng 1/10 Trung Quốc, mùa vải chỉ có tháng 6 và tháng 7. Hơn nữa, sau khi thu hoạch, đóng gói tại các tỉnh phía Bắc, vải tiếp tục vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ để xuất đi. Từ khi thu hái đến lúc trái vải có mặt ở Australia mất cả một tuần, đã ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng trái vải...
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, để trái vải Việt Nam có thể cạnh tranh khi xuất khẩu sang Australia, Hiệp hội đã đề xuất có thể áp dụng công nghệ Methyl Bromide giống như Nhật Bản đang xử lý đối với trái cây thay vì phải đưa vải vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ.
Hoặc Bộ Công Thương đề nghị các hãng hàng không Việt Nam có thể ưu tiên vận chuyển ngay những lô vải đi chiếu xạ tại TP.Hồ Chí Minh cũng như hỗ trợ giá cước. Song song đó, nông dân cần thay đổi thời gian thu hoạch, làm sao chỉ trong vòng vài ngày vải Việt Nam lên kệ siêu thị ở Australia.
Với trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn, thị trường Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Đối với trái vải, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, trong đó vải Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được người tiêu dùng Hoa Kỳ đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trái vải Việt Nam vẫn tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Theo đó, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc.
Quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị. Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.
Hoa Kỳ và Australia là hai thị trường yêu cầu quả vải phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ. Nhưng đối với thị trường Australia thì có nhiều thuận lợi, khi việc chiếu xạ, đóng gói vải được thực hiện ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Riêng thị trường Hoa Kỳ chỉ chấp nhận 2 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh và Long An đủ điều kiện chiếu xạ và đóng gói. Để xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ, nhiều năm nay, doanh nghiệp phải vận chuyển từ Bắc Giang, Hải Dương vào phía Nam nên tốn kém chi phí, thời gian, trong khi quả vải có mùa vụ ngắn.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện đang tích cực làm việc với Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ để Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được công nhận đủ điều kiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang thị trường này.
Xuất khẩu da giày phục hồi
Trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì, ngày 8/6, Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, hiệp hội và các đối tác quốc tế.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày giảm khoảng 14% trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp xác định, việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu của các nhà nhập khẩu, tìm kiếm đối tác tiềm năng, tăng cơ hội mở rộng thị trường.
Trong 3 kịch bản ngành da giày túi xách vạch ra năm nay, với tình hình như hiện tại, ngành này nhận định đang ở kịch bản trung bình, tức quý III tiếp tục giảm dưới 10% và phục hồi lại vào quý IV. Tăng trưởng cả năm sẽ giảm khoảng 7,5% so với năm trước.
Tuy nhiên, cơ hội là các hiệp định thương mại đang phát huy hiệu quả và khách quốc tế khi làm việc với các doanh nghiệp thì đều có những đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng của hàng Việt Nam.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, điểm sáng là đơn hàng quý III đã có cải thiện, tăng trưởng ở thị trường châu Á đạt hơn 10%; trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất.
Qua tiếp xúc với các bạn hàng, ngành da giày Việt Nam cũng xác định, giải pháp ngắn hạn là tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp, sắp xếp sản xuất phù hợp để hạn chế thấp nhất nguy cơ người lao động bị ngừng việc.
Trong dài hạn, phải trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế, cải tiến mẫu mã, tập trung vào dòng nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững, sản xuất xanh - sạch, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Vướng “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu hải sản sang EU tụt giảm mạnh
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khau thác IUU) với Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU vì chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC.
Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – dẫn chứng, trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, giai đoạn 2015 – 2017, EU từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 30 - 35% xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm dần qua từng năm. Qua thống kê của VASEP, năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%. Sang năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020. Đến năm 2022 – tức là sau 5 năm, tỉ trọng đã giảm còn 9,4%.
Việc EC áp “thẻ vàng” IUU đối với hải sản buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách chuyển dịch sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là xu hướng gia công cho các nhà kinh doanh hải sản ở các nước, xuất khẩu trở lại các nước đó, nhất là gia công các loài cá biển như cá tuyết, cá sa ba, cá thu, cá minh thái...
Sau hơn 5 năm nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU vì chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC. (Nguồn: Báo Long An) |
Bà Lê Hằng cho biết, đây là cách vừa tận dụng được công suất chế biến vừa tạo được việc làm cho công nhân và vừa không bị áp lực về vấn đề nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo quy định IUU.
“Ngay cả xuất khẩu sang EU bây giờ cũng có một tỉ trọng đáng kể là hàng gia công, chứ nguyên liệu thuần túy trong nước vừa khan hiếm, lại vừa khó làm giấy xác nhận khai thác (SC) và chứng nhận khai thác (CC) đáp ứng quy định IUU của thị trường này”, bà Lê Hằng chia sẻ.
Hiện nay không chỉ thị trường EU mà Mỹ hay Nhật Bản cũng đang thực hiện các yêu cầu về biểu mẫu truy xuất nguồn gốc… Vì vậy, bà Lê Hằng cho rằng, chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế và tháo gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ rất quan trọng.
Về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, khi hải sản bị “thẻ vàng” IUU sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Bởi trước đó, khi xuất sang thị trường EU, doanh nghiệp chỉ làm thủ tục mất thời gian từ 1 - 3 ngày thì bây giờ kéo dài từ 2 - 3 tuần. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến vị thế của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thủy sản.
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của EC sẽ có cuộc làm việc với phía Việt Nam EC lần thứ tư về công tác tháo gỡ “thẻ vàng” IUU. Từ nay đến thời điểm đó không còn nhiều. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC ở các địa phương.
Đồng thời, đang tiếp tục đốc thúc hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho tàu cá khai thác trên biển (hiện đạt 96,6%). Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, thực hiện xác nhận chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. Khẩn trương rà soát các điểm tàu cá bốc, xếp khai thác, bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên cập cảng đúng quy định.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, cập nhật tàu nguy cơ cao vi phạm IUU và tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát các vùng biển giáp ranh, chồng lấn để ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU. “Vừa rồi, lực lượng chức năng trên biển duy trì 35 - 41 tàu ở vùng giáp ranh nhưng vẫn còn sáu vụ/sáu tàu/35 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Trần Đình Luân cho biết.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 209/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ bảy Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU. Theo đó, để giải quyết các tồn tại, hạn chế, đồng thời để bảo đảm chuẩn bị tốt cho việc tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC trong tháng 10/2023; với quyết tâm đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU, Phó Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra. Nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU tại địa phương.
"Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới nên không có cách nào khác là phải thực hiện nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế. Đó cũng chính là tinh thần của Luật Thủy sản 2017, là phát triển bền vững ngành thủy sản. Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành vào ngày 13/2 cũng đặt mục tiêu trong năm 2023 chúng ta phải gỡ được thẻ vàng. Do vậy, việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ rất quan trọng", ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
| Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng nhẹ sau 3 tháng giảm; tăng trưởng xuất khẩu “ngóng” kinh tế thế giới phục hồi; một loại ... |
| Hai tuần tháng 4, xuất khẩu mang về 15 tỷ USD cho Việt Nam; xuất khẩu cá tra "hụt hơi", trông vào thị trường Trung ... |
| Quả vải lại sẵn sàng "ra khơi"; xuất khẩu tiếp đà lao dốc, giảm sâu hơn thời kỳ "đóng băng" vì Covid-19... là những tin ... |
| 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng gần 6 lần; cung không đủ cầu, cà phê Việt 5 tháng thu về hơn ... |
| Từ ngày 15/7, biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi được áp dụng thế nào? Ngày 31/5, Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, ... |