Ông Ciaran Gallagher - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Bord Bia (Cơ quan Thực phẩm Ireland) (trái) và ông Martin Heydon - Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải (phải) tại Fuji Mart (Hà Nội) trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Việt Nam - Thị trường hứa hẹn cho thủy sản, sữa, thịt của Ireland
Trao đổi với báo chí trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của Chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam, ngày 7/9, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Martin Heydon thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, dự kiến giá trị gia tăng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Ireland sang Việt Nam tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với hiệu lực Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), từ 1/1/2023, mức thuế quan đối với sản phẩm sữa được xóa bỏ (từ 15% về 0%), như vậy thì sản phẩm sữa của Ireland sẽ rất cạnh tranh nên ông Martin Heydon kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sữa sẽ tiếp tục gia tăng tại thị trường Việt Nam.
Ông Martin Heydon khẳng định: "Ở Ireland có ưu thế lớn về vị trí địa lý, với vùng nước rất sạch, vì thế, sản phẩm thủy sản của chúng tôi rất sạch, chất lượng cao. Một số sản phẩm thủy sản đặc trưng có thể kể đến như cua, cá hồi. Chúng tôi mong muốn được cung cấp các sản phẩm thủy sản bổ trợ, sản phẩm cao cấp cho Việt Nam.
Đối với sản phẩm sữa, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu sữa của chúng tôi đạt khoảng 5 tỷ Euro, ngoài khu vực Đông Nam Á, chúng tôi còn xuất khẩu đến thị trường các nước khác như Hoa Kỳ, EU… Hiện, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa của Ireland sang Việt Nam đạt khoảng 25-26 triệu Euro.
Chúng tôi cũng nhận thấy Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm sữa. Do đó, chúng tôi mong muốn tăng được con số xuất khẩu sữa tại thị trường Việt Nam lên cao hơn, và mong muốn trở thành đối tác hợp tác hiệu quả với Việt Nam".
Ở chiều ngược lại, theo ông Martin Heydon, Ireland nói riêng và EU nói chung có nhu cầu rất lớn sản phẩm từ các nước. Như đối với Việt Nam, chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu về gạo, cà phê, xoài... Đây cũng là cơ hội rất tốt để thúc đẩy chiều ngược lại – tức là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Ireland.
Ngoài ra, các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam đã xuất khẩu sang Ireland khá nhiều. Đây cũng là những thế mạnh của Việt Nam và có thể thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ireland trong thời gian tới.
Trung Quốc cấp 51 mã số vùng trồng cho sầu riêng Việt Nam
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), theo quy định của Nghị định thư do Trung Quốc và Việt Nam ký kết, trước khi bắt đầu giao thương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ Nghị định thư đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Để đảm bảo an ninh thương mại và đẩy nhanh quá trình đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, kết hợp với các tài liệu xác minh liên quan do bạn cung cấp, kể từ ngày 15/7 đến ngày 4/9 năm 2022, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định các video qua hình thực trực tuyến về vườn trồng và cơ sở đóng gói.
Sau khi xem xét, đánh giá, phía Trung Quốc cho rằng các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, phía Trung Quốc đã phát hiện một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác ngoài sầu riêng như ngô, cà phê, ổi... không có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo và lây lan của sâu bệnh giữa các loài khác nhau; một số vườn cây ăn quả không thực hiện theo dõi dịch hại, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình.
Nếu nhiều vườn không theo dõi ruồi đục quả, chỉ treo bảng vàng hoặc bẫy, hoặc sử dụng bẫy không đúng cách, hay chỉ sử dụng đèn bẫy thì khả năng xác định dịch hại của người quản lý vườn vẫn cần được tăng cường; một số vườn cây ăn trái chưa thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có tham gia dự án giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng kết quả chưa rõ.
Trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch lớn, một số nhà xưởng đã cũ, mặt bằng không đủ cứng, vệ sinh môi trường tổng thể kém, khu vực nhà máy gần với khu sinh hoạt, không có cách ly về mặt vật lý; một số nhà máy đóng gói không vệ sinh bụi và sinh vật gây hại khi cọ rửa bề mặt sầu riêng, nhận dạng, có thể gây ô nhiễm thứ cấp và việc giám sát dịch hại không được thực hiện.
Về các biện pháp phòng chống Covid-19, một số nhà máy và vườn cây ăn quả không có phương tiện rửa tay, chỉ khử trùng.
Sau khi đánh giá toàn diện bởi các chuyên gia Trung Quốc kết hợp với kiểm tra video và xem xét tài liệu, trong số 127 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói do Việt Nam đề xuất, đã xác định được 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận đăng ký.
Còn lại 50 mã số vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói chưa đáp ứng yêu cầu và phía Việt Nam cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu xác minh sau khi hoàn thành việc rà soát, khắc phục để xem xét đánh giá thêm; 26 mã số vùng trồng và 8 cơ sở đóng gói đã tự nguyện từ bỏ các tiêu chuẩn khuyến nghị và sẽ không được xem xét để đăng ký phê duyệt lần này.
Xuất khẩu thịt lợn tăng đột biến, hơn 343%
Tháng 7/2022, khối lượng các mặt hàng thịt lợn xuất khẩu lên tới 1.050 tấn, đem về 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Xuất khẩu các mặt hàng thịt lợn của Việt Nam ghi nhận mức tăng đột biến trong tháng 7/2022 khi tăng tới 343,7% về lượng và tăng hơn 104% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (gồm thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh); đùi ếch đông lạnh…
Đáng chú ý, khối lượng các mặt hàng thịt lợn xuất khẩu lên tới 1.050 tấn, đem về 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021.
Song, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng thịt lợn chỉ đạt 4.235 USD/tấn, giảm 54% so với tháng 7/2021. Thị trường xuất khẩu chính là Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và Lào. Trong đó, Hong Kong chiếm 57,48% tổng lượng thịt lợn xuất khẩu của cả nước.
Tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam xuất khẩu 10,49 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 41,85 triệu USD, giảm 4,5% về lượng nhưng tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, 7 tháng năm 2022, nước ta nhập khẩu 350,86 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 789 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55,21 nghìn tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn giảm liên tục từ đầu năm 2022 đến nay là do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn tiếp tục phục hồi.
Theo cơ quan chức năng, thời gian tới, dự báo giá lợn hơi trong nước tiếp tục dao động quanh mức 65.000-70.000 đồng/kg và có chiều hướng tăng khi các bếp ăn tập thể trường học hoạt động trở lại.
Thặng dư thương mại đạt 5,49 tỷ USD trong 8 tháng
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư 5,49 tỷ USD, cao hơn mức 3,96 tỷ USD Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó.
Cụ thể, trong nửa cuối tháng 8 (16-31/8) tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với nửa đầu tháng. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong kỳ như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 665 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 592 tỷ USD; hàng dệt may tăng 382 triệu USD...
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Trong đó, trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 185,44 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ đạt 15,73 tỷ USD, tăng 3,2% so với đầu tháng. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng trong kỳ như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 188 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 100 triệu USD; kim loại thường tăng 59 triệu USD, tương ứng tăng 15,3%...
Lũy kế 8 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 160,89 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,1% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Trong nửa cuối tháng 8/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,97 tỷ USD. Tính chung trong 8 tháng/2022, cán cân thương mại thặng dư 5,49 tỷ USD.