📞

Xuất khẩu ngày 6-10/3: Tin vui cho gạo xuất khẩu; thủy sản Việt 'đắt hàng' tại Quảng Tây (Trung Quốc)

Vân Chi 20:30 | 10/03/2023
Tin vui cho gạo Việt; thủy sản Việt 'đắt hàng' tại Quảng Tây (Trung Quốc); 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng đầu năm 2023... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 6-10/3.
Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” điểm cầu chính tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 8/3 tại Hà Nội. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thủy sản Việt Nam đứng số 1 tại Quảng Tây (Trung Quốc)

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản số 1 cho Quảng Tây (Trung Quốc) khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Diễn đàn Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng ngày 8/3.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính.

Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Trong đó, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Đáng chú ý, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.

Riêng về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, Nguyễn Hoài Nam cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.

Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoàng Nam đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.

Đồng thời, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vẫn còn những khó khăn nhất định khi xuất thủy sản tươi sống sang Trung Quốc. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến - cho biết: Chúng tôi đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.

Ông Trần Văn Út giải thích, theo yêu cầu của phía Hải Quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục quản lý chất lượng Thủy sản cấp, nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói.

Nhưng đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Mà doanh nghiệp lại không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan Thuế.

Do đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.

Dẫn chứng thêm về khó khăn doanh nghiệp gặp phải, ông Trần Văn Út cho hay, chúng tôi vẫn thường xuyên có hoạt động xuất khẩu thủy sản tươi sống bằng đường chính ngạch đi các thị trường tại các cửa khẩu quốc tế, doanh nghiệp chúng tôi chưa vi phạm về vấn đề thông quan hàng hóa, nhưng trong thời gian gần đây chúng tôi đăng ký thủ tục Hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu thì liên tiếp 11 lô hàng bị phân luồng đỏ tính đến ngày hôm qua (7/3/2023).

Vì đặc thù là hàng tươi sống nên việc khi các lô hang bị phân luồng đỏ sẽ dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa cũng như uy tín với khách hàng nước ngoài. Và thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam. "Đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống", ông Trần Văn Út nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP. Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức 1 Diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP. Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản 2 nước.

Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.

9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng đầu năm 2023

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất khẩu từng ngành hàng chủ đạo tháng 2 và hai tháng đầu năm. Theo đó, trong 46 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ có 9 mặt hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong hai tháng đầu 2022.

Trong 9 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương, xăng dầu các loại là mặt hàng tăng cao nhất so với cùng kỳ hai tháng 2022, với mức tăng 18,5%. Đứng thứ hai là hàng rau quả tăng 12,4%; dây điện và dây cáp điện tăng 9,6%. Các mặt hàng còn lại tăng trưởng dưới 6% gồm: phương tiện vận tải và phụ tùng; điện thoại và các loại linh kiện; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; sản phẩm hóa chất; dầu thô; gạo.

Xét về trị giá xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với 9,2 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay. Đây cũng là mặt hàng vẫn giữ được "phong độ" khi không rơi vào nhóm tăng trưởng âm. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay của mặt hàng này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là xơ, sợi dệt các loại với mức giảm 38,4%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ giảm 34,1% và gỗ và sản phẩm gỗ giảm 31,8%; hàng thủy sản giảm 29,1%; cao su giảm 28,3%; sắt thép các loại giảm 25,7%; hóa chất giảm 24%; sản phẩm từ chất dẻo giảm 20,5%; hàng dệt may giảm 19,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 16,6%; giày dép các loại giảm 16%; túi xách, ví, va li, mũ, ô, dù giảm 15,3%; sản phẩm từ sắt thép giảm 11,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện goảm 10,9%; cà phê giảm 9,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 8,5%; hạt điều giảm 7,4%; kim loại thường khác và sản phẩm giảm 6,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 3,5%.

Theo các chuyên gia, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu hai tháng đầu năm giảm 10,4% so với cùng kỳ, cùng với việc khu vực sản xuất công nghiệp yếu đi cho thấy sức khỏe của nền kinh tế gặp thách thức lớn. Thực tế, từ những tháng cuối năm 2022, suy giảm xuất khẩu đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày; sản phẩm gỗ và máy móc,… Ngoài ra, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng từ Việt Nam.

Tin vui cho gạo Việt

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, gạo là một trong những mặt hàng có giá xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý là tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn…

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. (Nguồn: VnEconomy)

Bước sang tháng 3, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Thêm vào đó, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, nên có giá bán tốt. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam cũng được dự báo có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

Với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Tại hội nghị về xuất khẩu gạo diễn ra vào cuối tháng 2/2023 tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: "Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý 1-2/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

(tổng hợp)