Các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp từ ngày 27/6. (Nguồn: Báo Công Thương) |
EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam
Từ ngày 27/6, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Ngày 7/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng công báo sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.
Cũng tại Quy định này, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu. Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.
Với những nỗ lực của mình, chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến, mì của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 1/1/2022), Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thành công thuyết phục EU đưa bún, miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau thì thành công đưa mì ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).
Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền.
Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II.
Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia nổi tiếng sản xuất mì ăn liền. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, vẫn chưa thành công thuyết phục EU bỏ giám sát chất lượng và hiện nay vẫn nằm ở phụ lục I với tần suất kiểm tra 20% như Việt Nam.
Thêm một thị trường CPTPP chuộng cá ngừ Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mexico tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 1,9 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng này, Mexico hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Mexico nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ từ Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 74% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.
Hiện Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.
Theo đó, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico hiện đang được giảm từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ chế biến khác như loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mexico.
Theo ông Lưu Vạn Khang - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize), người dân ở quốc gia này tiêu thụ mạnh các sản phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến tại các siêu thị hoặc của hàng tiện dụng, do vậy mặt hàng này là một mặt hàng tiềm năng cho các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.
Theo VASEP, tính cả năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên ngành hàng cá ngừ đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD. Kết quả này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2022.
Cảnh báo nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt đá thạch anh tại Mỹ
Vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có cảnh báo về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại những sản phẩm liên quan tới mặt đá thạch anh khi xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp tránh sử dụng sản phẩm mặt đá thạch anh hoặc tấm đá thạch anh nhập khẩu từ các thị trường đang bị Mỹ điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.
Nếu doanh nghiệp có sử dụng mặt hàng liên quan đến đá thạch anh nhập khẩu từ thị trường đang bị Mỹ điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại trong sản xuất các mặt hàng thì cần lưu ý về việc khai báo đầy đủ thông tin và nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với phần mặt đá thạch anh theo đúng quy định của Mỹ.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có cảnh báo về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại những sản phẩm liên quan tới mặt đá thạch anh khi xuất khẩu sang Mỹ. (Nguồn: Saigon Times) |
Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện truy xuất nguồn gốc, góp phần tăng khả năng chứng minh sản phẩm hoặc nguyên liệu sử dụng không thuộc phạm vi áp thuế của Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác ứng phó; chủ động liên lạc, trao đổi và cập nhật thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Thời gian qua, Mỹ đã và đang tiến hành điều tra nhiều vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới sản phẩm mặt đá thạch anh nhập khẩu.
Trong đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 11/7/2019. Mức thuế chống bán phá giá dao động từ 265,81 – 190,99%.
DOC cũng đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 22/6/2020. Mức thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Ấn Độ là từ 2,67 – 5,15% và với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ từ 0 – 5,17%. Các biện pháp có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày áp dụng.
Hồi tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã kết luận, khi xuất khẩu sang Mỹ, sản phẩm mặt đá thạch anh sản xuất tại Malaysia có sử dụng nguyên liệu là tấm đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, sản phẩm bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như mức thuế đang áp dụng với doanh nghiệp Trung Quốc.
| Quả vải lại sẵn sàng "ra khơi"; xuất khẩu tiếp đà lao dốc, giảm sâu hơn thời kỳ "đóng băng" vì Covid-19... là những tin ... |
| Ngành Ngoại giao "gỡ khó" cho doanh nghiệp gỗ; sản phẩm thủy sản chủ lực sụt giảm, cá đóng hộp bất ngờ "lên đời"... là ... |
| 5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả khởi sắc; dân Mỹ thắt chặt "hầu bao", nông sản Việt hụt thu hàng tỷ USD; EC ... |
| 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng gần 6 lần; cung không đủ cầu, cà phê Việt 5 tháng thu về hơn ... |
| Vướng "thẻ vàng" IUU, xuất khẩu hải sản sang EU tụt giảm mạnh; đã có gần 100 tấn vải thiều "cập bến" các thị trường ... |