📞

Xuất khẩu ngày 9-12/11: Thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa; xuất khẩu da giày Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Vân Chi 13:08 | 12/11/2021
Còn nhiều dư địa xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, VinFast xuất lô xe đầu tiên sang thị trường Lào, xuất khẩu da giày của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 9-12/11.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc” ngày 11/11, tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Còn nhiều dư địa xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc” theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành của 36 địa phương trong cả nước, các Trưởng Cơ quan đại diện, Tham tán thương mại và Thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và đông đảo các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản và dịch vụ hậu cần của Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao gia tăng, qua đó góp phần phục hồi và hỗ trợ các ngành xuất khẩu nông, thuỷ sản trong nước vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Nam Ninh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách tăng cường nhập khẩu nông sản là những thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp việt Nam đẩy mạnh hơn xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của nước này đối với hàng nông, thủy sản ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới chất lượng, phương thức sản xuất.

Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ và đưa ra nhiều đề xuất tham mưu cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Quý III/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Canada giảm 27%

Canada là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong ba năm trở lại đây. Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường truyền thống lớn như Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021 không ổn định, xuất khẩu sang Canada đang có xu hướng tăng trưởng tốt, thậm chí có những tháng còn cao hơn cả thời điểm trước khi xẩy ra đại dịch.

Theo các doanh nghiệp, nếu không có tác động của sự bùng phát đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 7/2021, xuất khẩu sang thị trường này vẫn sẽ tăng trưởng khả quan trong quý III.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ sang Canada trong 9 tháng đầu năm 2021 đều tăng, trừ cá ngừ tươi và đông lạnh mã HS03 (không bao gồm HS0304).

Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ dạng loin, philê, thịt cá ngừ cắt khúc, cắt miếng mã HS0304 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất gần 59%, đạt gần 15 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Đứng thứ 2 là nhóm các sản phẩm cá ngừ đóng hộp chiếm 35%, đạt gần 9 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác tăng tới 246%.

Năm 2021, nhập khẩu cá ngừ của Canada có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cá ngừ của Canada giảm 10% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cước vận chuyển đường biển và giá thép tăng cao đã đẩy giá cá ngừ hộp tăng. Điều này đã làm giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Canada trong năm nay.

Hiện Canada đang nhập cá ngừ từ 48 nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 sau Thái Lan (tính theo khối lượng).

8 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang thị trường Canada giảm thì xuất khẩu của Việt Nam tăng. So với các nguồn cung chính, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sang Canada đang ở mức gần như thấp nhất.

Theo các doanh nghiệp, những ưu đãi về mặt thuế quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2021, có 29 doanh nghiệp của Việt Nam đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang Canada. Trong đó Yueh Chyang Canned Food, FOODTECH và Thinh Hung Co., Ltd là 3 nhà xuất khẩu cá ngừ lớn nhất sang thị trường này, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu.

Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,2 tỷ đôi giày đến hơn 150 nước

Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, sản xuất giày dép trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 2,2%.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới, với sản xuất giảm 15,8%, tương đương giảm gần 4 tỷ đôi so với năm 2019, đạt 20,5 tỷ đôi. Dù vậy, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên giới không bị ảnh hưởng.

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với số lượng đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020 và đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).

Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giày dép Việt Nam giai đoạn 2016-2019 là 12,1%/năm. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

VinFast xuất khẩu lô xe đầu tiên sang thị trường Lào

Sáng 9/11, tại Hải Phòng, Công ty TNHH Sản xuất và kinh Doanh VinFast đã chính thức bàn giao cho Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) lô 18 xe ô tô bao gồm 5 xe President và 13 xe Lux A2.0 phiên bản cao cấp.

Công nhân làm việc tại nhà máy Vinfast tại Hải Phòng. (Nguồn: Reuters)

Sự kiện không chỉ là cột mốc đáng nhớ của VinFast khi chính thức xuất khẩu lô xe đầu tiên sang thị trường Lào, mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác chính thức giữa VinFast và Tập đoàn Phongsubthavy kể từ khi hai bên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 6/2021..

Lễ bàn giao xe diễn ra tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện của VinFast. Đây là một trong những tổ hợp nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với trên 1.200 robot ABB vận hành hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 và có mức độ tự động hóa trên 90%.

Toàn bộ các mẫu xe VinFast được sản xuất tại đây đều đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ hội "vàng" xuất khẩu thực phẩm, đồ uống, vật tư y tế vào Mỹ hậu Covid-19

Vừa qua, hơn 150 đại biểu đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm, đồ uống và thiết bị y tế sang Mỹ và những yêu cầu của Cơ quan Quản lý thực phẩm, dược phẩm (FDA) đối với hàng nhập khẩu”.

Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức trên nền tảng Zoom Cloud Meeting đồng thời được tường thuật trực tiếp (livestream) trên Fanpage chính thức của Cục.

Tại sự kiện, đại diện Amazon Việt Nam cho biết, trong năm 2021, tỷ trọng tăng trưởng thị trường cho ngành hàng bách hóa thực phẩm trực tuyến dự kiến tăng 12.5% và bùng nổ tăng trưởng tới 21,5% vào năm 2025 tại thị trường Mỹ.

Doanh số bán ngành hàng bách hóa thực phẩm tại Mỹ đạt 34,42 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 59.5 tỷ USD vào năm 2023. Nếu tận dụng tốt cách thức bán hàng này, cụ thể như thông qua Amazon.com, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng quốc tế, gia tăng xuất khẩu và phát triển thương hiệu toàn cầu.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng hy vọng các doanh nghiệp có hướng đầu tư sản xuất bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là thị trường Mỹ, đa dạng hóa kênh bán hàng, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

(tổng hợp)