Tổ chức nghiên cứu và xếp hạng tín nhiệm hàng đầu ICRA của Ấn Độ vừa nhận định, xuất khẩu thịt trâu của nước này sẽ đạt gần 400 tỷ Rupee (gần 5,96 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Cảnh buôn bán trâu tại khu lò mổ ở thị trấn Ghazipur, thành phố New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AP) |
ICRA còn dự báo, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện, quy mô đàn trâu lớn, giá thịt trâu của Ấn Độ tương đối thấp và nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tăng đều đặn trên thị trường quốc tế.
Theo báo cáo nghiên cứu của ICRA, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ đã tăng từ mức 35,33 tỷ Rupee (hơn 526 triệu USD) trong thời gian 2007-2008 lên 266,82 tỷ Rupee (gần 4 tỷ USD) trong các năm 2015-2016, chiếm xấp xỉ 20% tổng lượng thịt trâu xuất khẩu của toàn thế giới và trở thành nước xuất khẩu thịt trâu lớn nhất về khối lượng, vượt qua Brazil và Australia.
ICRA còn cho hay, trong hai năm vừa qua, thịt trâu đã trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu cao nhất của Ấn Độ và tỷ lệ đóng góp của ngành này cho tổng doanh thu xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi, lên mức 1,56% trong năm 2015-2016 so với mức 0,76% trong năm 2010-2011.
Tổ chức này cũng cho biết thêm, trong khi Ấn Độ đã và đang xuất khẩu thịt trâu trong gần 2 thập niên qua thì lĩnh vực này mới chỉ đạt đà tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây. Điều này là nhờ nhiều yếu tố như nhu cầu tăng lên từ những nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan…, phương pháp giết mổ đáp ứng được những yêu cầu về tôn giáo của một số dân tộc thiểu số nhất định, cạnh tranh về giá, quy mô đàn trâu lớn và lượng tiêu thụ trong nước thấp.
Uttar Pradesh là bang có đàn trâu quy mô lớn nhất Ấn Độ, chiếm 28% và nổi lên là bang sản xuất thịt trâu hàng đầu nước này. Tại đây hiện có khoảng 60% tổng số lò giết mổ và các cơ sở chế biến thịt trên toàn quốc.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng cho thấy, về bản chất, ngành sản xuất thịt trâu ở Ấn Độ phần lớn là chưa có tổ chức và còn manh mún, chưa được quản lý chặt chẽ nên dễ phải đối mặt với những rủi ro liên quan tới tâm lý xã hội và chính trị, mức độ bền vững của quy mô đàn trâu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh và sự cạnh tranh cao từ ngành sản xuất thịt bò toàn cầu.
Điều này được thể hiện rõ trong năm tài chính 2015-2016, khi lần đầu tiên, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ sụt giảm trong gần một thập niên do sự mất giá của đồng Real (Brazil) khiến cho thịt bò xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này có sức hấp dẫn hơn.