TIN LIÊN QUAN | |
Bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ 2019 | |
Xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19 |
4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. (Nguồn: TCTC) |
Trong cái rủi Covid-19…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và II/2020. 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao, lên tới 20-40%, đơn còn giao được thì cũng chỉ 50% hàng đi. Những thị trường bị giảm nhiều nhất là Trung Quốc giảm 17%, EU giảm 18% và Hàn Quốc giảm 11%... Các quy định giãn cách xã hội, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ dịch Covid-19 của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm.
Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến thu nhập của người tiêu dùng giảm nên việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản cao cấp cũng có xu hướng giảm mạnh. Trong các sản phẩm xuất khẩu, cá tra giảm mạnh nhất trên 26%, mực-bạch tuộc giảm 22%, cá ngừ giảm 14% trong khi xuất khẩu tôm chỉ còn tăng ít, đạt khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Thêm vào đó, dịch Covid-19 đã gây ra hàng loạt xáo trộn khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị gián đoạn, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ. Dự kiến, nếu dịch được kiểm soát, nguồn nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 cũng chỉ có thể đáp ứng tối đa 50-70% nhu cầu sản xuất. Nhiều khách hàng nước ngoài yêu cầu lùi thời gian thanh toán tới vài tháng, thậm chí yêu cầu phải giảm giá sâu các lô hàng đã nhận trước đó khiến các doanh nghiệp thủy sản không xoay vòng được vốn để thanh toán các khoản vay với ngân hàng và nhiều chi phí phải trả khác như: lương, nguyên liệu, vật tư đầu vào, thuế phí….
Tin liên quan |
Chuyên gia nước ngoài 'mách nước' người thua trong cuộc chơi EVFTA |
Trước bối cảnh đó, trong ngắn hạn, VASEP cho rằng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành cho doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động.
Về dài hạn, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường, đặc biệt thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh; khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản; Mở rộng thêm tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới và mở rộng các trại nuôi; Khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cao năng suất và giảm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành.
… tìm cái may cơ hội
Tuy nhiên, bên cạnh những hệ lụy rất lớn thì theo VASEP, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam, trong đó có các cơ hội mới được mở ra.
Đầu tiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ đều tin tưởng vào doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các biện pháp chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng, tiếp tục thả nuôi và tham gia sản xuất ngay khi dịch được kiểm soát sẽ tạo nguồn cung kịp thời cho doanh nghiệp chế biến, các quốc gia tiếp tục nhập hàng thủy sản Việt Nam trong nửa cuối năm 2020.
Thứ hai, các quốc gia cạnh tranh thuỷ sản chính với Việt Nam như: Ấn Độ, Ecurado vẫn đang vật lộn với các biện pháp phong toả, cách ly chống dịch nên đã giảm đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Indonesia, Philipinnes hay Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Vì vậy, các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn so với Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.
Chế biến cá xuất khẩu. (Nguồn: TCCT) |
Thứ ba, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Việt Nam hầu như không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản như: thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng, chế biến có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.
Thứ tư, dự kiến nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thuỷ sản theo dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…
Cuối cùng, khi EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 8 năm nay sẽ tạo cơ hội rất lớn đối với xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU. Khi đó, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ, với dân số trên 500 triệu người. Hằng năm, nhu cầu thủy sản của EU đã đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg/người so với mức trung bình của thế giới.
Hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8%. Nếu EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. (Chi tiết xem bảng phía dưới)
Bộ Công Thương khẳng định, với EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, vững bước phát triển trong những năm tới đây.
Tất nhiên, cần nhìn vào thực tế, nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với TG&VN, muốn biến những cơ hội thành hiện thực, trước mắt, ngành thủy sản cần nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) mà Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo từ tháng 10/2017. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển ngành một cách bền vững.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%. Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn. |
Xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19 TGVN. Sau khi sụt giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản được dự báo tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn ... |
Năm 2020, xuất khẩu thủy sản được dự báo mang về 9 tỷ USD TGVN. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 9 tỷ USD, tăng ... |
Việt Nam - Na Uy: Hợp tác phát triển bền vững ngành nuôi biển công nghiệp Ngày 9/10, tại Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đồng chủ ... |