Xuất nhập khẩu 10-12/10: Chu kỳ giá cà phê giảm vẫn chưa kết thúc. (Nguồn: Pinterest) |
Xuất khẩu cà phê sụt giảm
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê đạt 1,25 triệu tấn và 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm, Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,2%; 9,1% và 8%. 8 tháng năm 2020, trị giá xuất khẩu cà phê tăng tại các thị trường: Ba Lan (tăng 46,2%); Nhật Bản (tăng 16,4%) và Hàn Quốc (tăng 7,7%). Ngược lại, trị giá xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 30,1%) và Tây Ban Nha (giảm 11,6%).
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm, trong tháng 9/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh biến động giảm. So với tháng 8/2020, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 thị trường London giảm 88 USD/tấn xuống còn 1.341 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2020 chứng kiến sự sụt giảm khi giao dịch ở mức 2.520 USD/tấn, mức giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện chu kỳ giá cà phê giảm vẫn chưa kết thúc.
Cuối tháng 9/2020, Brazil về cơ bản đã thu hoạch xong cà phê, sản lượng ước tính niên vụ này đạt khoảng 3,5 triệu tấn cà phê, tăng khoảng 19,4% so với năm 2019 và vượt dự báo trước đây khoảng 36 nghìn tấn. Các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Columbia, Mexico hay Ấn Độ đều đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19 làn sóng thứ 2 khi đây là những nước có ca lây nhiễm và tử vong hàng đầu.
Trong khi đó, Mỹ, Nga, Tây Ban Nha đã ghi nhận số lượng lớn các ca lây nhiễm và tử vong là những nước tiêu thụ cà phê hàng đầu trên thế giới.
Giá lúa gạo tiếp tục ổn định
Tuần qua tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định. Thị trường giao dịch trầm lắng.
Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu tiếp tục ổn định. Gạo nguyên liệu IR 50404 Hè Thu ở mức 8.850 đồng/kg, loại gạo thành phẩm IR 50404 Hè Thu 10.200 đồng/kg; tấm loại 1 IR 50404 Hè Thu ổn định ở mức 9.000 đồng/kg và cám vàng là 5.950 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.800 - 6.100 đồng/kg.
Các mặt hàng gạo tại thị trường An Giang không đổi so với tuần trước: gạo thường 10.000-11.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000-15.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.200 đồng/kg; gạo nàng hoa 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang… người dân đang bước vào thu hoạch vụ lúa Thu Đông. Tại Cần Thơ, lúa thu hoạch đạt trên 90% diện tích, năng suất bình quân 53,95 tạ/ha, cao hơn 2,21 tạ/ha so với vụ Thu Đông 2019. Không những trúng mùa mà giá lúa năm nay nông dân bán được khá cao. Giá lúa thơm Jasmine 85 và giống Ðài Thơm 8 tại thành phố Cần Thơ được nông dân bán tươi ngay tại ruộng cho thương lái ở mức từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577, OM 9582… hiện có giá từ 5.600 - 6.000 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 có giá khoảng từ 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, giá thành sản xuất vụ lúa Thu Đông năm nay tại thành phố Cần Thơ bình quân là 3.500 đồng/kg, trong khi giá bán lúa hiện nay bình quân là 5.600 đồng/kg, bình quân mỗi kg lúa nông dân đạt lợi nhuận 2.100 đồng, tương đương với khoảng 40%.
Xuất khẩu gần 1 tỷ khẩu trang y tế
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa đưa ra, trong tháng 9, cả nước có hơn 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng gần 143 triệu chiếc, tăng 5,5% (tương đương khoảng 8 triệu chiếc) so với số lượng xuất khẩu trong tháng 8/2020.
Như vậy, sau khi lượng khẩu trang y tế xuất khẩu sụt giảm ở tháng 8 khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Việt Nam xuất hiện, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này có chiều hướng tăng trở lại khi dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát.
Với kết quả trong tháng 9 vừa qua, nâng sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 989 triệu chiếc.
Sau thời gian áp dụng cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (theo Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ), hoạt động xuất khẩu khẩu trang y tế được thực hiện bình thường trở lại từ tháng 5/2020 theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 29/4/2020 của Chính phủ.
Ngay trong tháng 5, cả nước xuất khẩu hơn 181 triệu chiếc khẩu trang y tế và đạt đỉnh vào tháng 6 với hơn 236 triệu chiếc.
Xuất khẩu thủy sản có tiềm năng phục hồi
Theo NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2020 đạt 820 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,03 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giảm này cho thấy, xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi trong khi quý I có mức giảm 14% và quý II giảm gần 9%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong số các sản phẩm xuất khẩu chính, chỉ có tôm có mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong 9 tháng, đặc biệt là 6 tháng gần đây. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chi phối, hơn 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong khi cá tra liên tục sụt giảm xuất khẩu dẫn đến chỉ chiếm 17,6%.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều sụt giảm, tuy nhiên tỷ trọng của hải sản trong tổng giá trị xuất khẩu vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái, với mức 38%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2019. Điều đó phản ánh tác động tích cực của Hiệp định trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó thay đổi rõ rệt và tích cực nhất là tôm, mực, bạch tuộc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA sẽ tạo đòn bẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang EU trong những tháng cuối năm, nhất là các sản phẩm tôm đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, mực, bạch tuộc đông lạnh và chế biến khi thuế về 0%.
Với thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp lễ, tết cuối năm.
| TGVN. Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng, xuất khẩu nông sản gặp khó, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng, điểm sáng xuất ... |
| TGVN. Hàng Việt chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại; xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc tăng mạnh; da giày, thủy ... |
| TGVN. Tình hình nhập khẩu ô tô trong 9 tháng, hàng Việt Nam tăng tốc vào EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ... |