Chiều 17/9, 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long sang EU bằng đường tàu biển và hàng không. (Nguồn: VNE) |
“Cửa sáng” cho thủy sản vào Saudi Arabia
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam đã có công hàm gửi các cơ quan chức năng phía Việt Nam, thông báo ý kiến của Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA), cho phép 12 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường Saudi Arabia.
Bộ Công Thương đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho đầu ra, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, Saudi Arabia áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra thực tế của SFDA đến Việt Nam làm việc và kết luận một số cơ sở sản xuất, chế biến tôm và cá tra không đảm bảo được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và an toàn dịch bệnh.
Về phía Bộ Công Thương, thông tin từ Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho biết, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng cần lưu ý, Saudi Arabia là thị trường có yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng VSATTP. Đây cũng là thị trường có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông, do đó các động thái chính sách của quốc gia này có thể tạo ảnh hưởng đến các thị trường khác trong khu vực. Không chỉ với thị trường Saudi Arabia, giới chuyên gia cho rằng, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam là cá tra và tôm vẫn đang vấp phải những đòi hỏi ngặt nghèo của các quốc gia nhập khẩu về vấn đề môi trường, an toàn dịch bệnh.
Saudi Arabia được đánh giá là thị trường thủy sản tiềm năng, mỗi năm thị trường này nhập khoảng 60 triệu USD thủy sản Việt Nam, trong đó cá tra là mặt hàng chủ lực.
Được biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các cơ quan liên quan làm việc, đề nghị SFDA bổ sung thêm các doanh nghiệp Việt Nam khác được phép xuất khẩu thủy sản trở lại vào thị trường Saudi Arabia, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Rau quả vào EU theo chân EVFTA
Chiều 17/9, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng trái cây sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.
Năm 2019, doanh số xuất khẩu trái cây tươi sang EU của doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng này là 6,45 triệu USD và kỳ vọng năm 2020 sẽ tăng 20% nhờ EVFTA.
"Trước khi có EVFTA, tại EU, trái cây Việt có giá khá cao so với các đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… nhưng nay nhờ thuế giảm nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam hơn", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, trong lĩnh vực nông nghiệp, thống kê sơ bộ sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó, vừa qua chúng ta chứng kiến các lễ xuất khẩu nông sản sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh Thuận (ngày 11/9); cà phê, chanh leo tại Gia Lai (ngày 16/9). Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng trước.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6 - 30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1- 6 năm), cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi...).
"Điểm cộng" xuất siêu
Thành tích xuất siêu gần 13,5 tỷ USD của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm là một điểm cộng bởi từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 50,4 tỷ USD, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 11,4% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,7 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước.
Với sự khởi sắc trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.
Việt Nam thăng hạng nhập khẩu vào Mỹ
Vừa qua, Jungle Scout (công cụ bổ trợ bán hàng hàng đầu trên Amazon) công bố Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu năm 2020, trong đó phân tích dữ liệu nhập khẩu bằng đường biển của Mỹ giai đoạn 2015-2020 từ tất cả các quốc gia và trên tất cả các lĩnh vực.
Báo cáo nêu bật những thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng các quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam, và cho thấy bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi như thế nào trong đại dịch Covid-19.
Trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã “nhảy” 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 vào năm 2020. Tính từ năm 2015 đến nay, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 72% và tăng 65% trong tỉ trọng nhập khẩu của Mỹ.
Cùng trong khoảng thời gian này, gần như tất cả 10 nhà cung cấp hàng đầu khác của Mỹ đều giảm lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này, ngoại trừ mức tăng nhỏ của Trung Quốc, Bỉ và Thái Lan.
Báo cáo Nhập khẩu toàn cầu 2020 được tổng hợp dựa trên dữ liệu nhập khẩu bằng đường biển của Mỹ từ 237 quốc gia, tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2020.
Jungle Scout đã phân tích số liệu dựa trên hơn 63 triệu hồ sơ nhập khẩu này của Mỹ, bao gồm thông tin về bên gửi hàng, lô hàng, quốc gia xuất khẩu và danh mục được trích xuất.
| Kỷ lục mới của Việt Nam, xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD TGVN. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 50 tỷ ... |
| Thị trường xuất khẩu ngày 12-14/9: Gỗ Việt 'thẳng tiến' đến EU, giá xăng giảm, dệt may 'le lói' tăng trưởng TGVN. Xuất khẩu gỗ, tôm đón cơ hội vào EU; Việt Nam xuất khẩu gần 850 triệu chiếc khẩu trang y tế; giá xăng giảm... ... |
| Thị trường xuất nhập khẩu ngày 5-7/9: Giá gạo cao nhất trong gần 9 năm, xuất khẩu rau quả giảm 11,3% TGVN. Giá thịt lợn hơi ổn định, gạo xuất khẩu được giá, xuất khẩu rau quả giảm 11,3%... là một số thông tin trong bản ... |