Biến động xuất nhập khẩu Việt Nam: Nhóm hàng điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ xuất khẩu đang là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Mỹ. (Nguồn; Nikkei Asian Review) |
Giá thịt lợn hơi bất ngờ tăng trở lại
Trong khi Cục Chăn nuôi cho rằng, việc tái đàn lợn đang diễn biến tốt, nguồn cung lớn sẽ kéo giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg, thì trên thực tế, sau một thời gian ngắn giá thịt lợn hơi giảm còn dưới 80.000 đồng/kg, vài ngày trở lại đây, giá thịt lợn hơi đã bất ngờ tăng trở lại.
Hiện, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng trở lại, lên mức 80.000-82.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 80.000 - 84.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 79.000 - 82.000 đồng/kg.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, giá thịt lợn hơi tăng trở lại mấy ngày nay là câu trả lời của thị trường về thực tế nguồn cung heo hơi hiện nay. Nguồn cung có tăng nhưng chưa đáp ứng tốt được cầu của thị trường nên giá tăng.
Theo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn, thời gian tới, thịt lợn hơi tiếp tục giữ ở mức giá cao và có thể tiếp tục tăng nếu các bộ, ngành chức năng không chủ động tìm thêm nguồn cung khác ngoài nguồn heo nuôi trong nước. Vì thực tế, nguồn cung từ việc tái đàn heo trong ngắn hạn chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước đây.
Nhiều mặt hàng "hái" tiền tỷ ở Mỹ
Các nhóm hàng điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ xuất khẩu đang là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, thu về tiền tỷ từ thị trường Mỹ.
Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gồm: Hàng dệt may với trị giá đạt hơn 9 tỷ USD; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá xấp xỉ 6,2 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,3 tỷ USD; giày dép các loại đạt xấp xỉ 4 tỷ USD; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 6,2 tỷ USD; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD; thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 337 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 175 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 162 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng qua thặng dư (xuất siêu) hơn 13,5 tỷ USD.
Xét về thị trường, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 8 tháng của Việt Nam với thị trường này đạt xấp xỉ 216 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ xấp xỉ 70 tỷ USD, tăng 12%; châu Âu hơn 41 tỷ USD, giảm 5,7%; châu Đại Dương 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8%, và châu Phi 4,47 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ 2019.
Đáng chú ý, 8 tháng qua, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ (chủ yếu là Mỹ) đạt xấp xỉ 70 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019, liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất khẩu cá ngừ "khởi sắc" nhờ EVFTA
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã bắt đầu gia tăng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi, ngành cá ngừ Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, EVFTA có hiệu lực đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
VASEP cho rằng, sau hơn hai năm Ủy ban châu Âu quyết định rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này liên tục sụt giảm. Việc không còn được hưởng ưu đãi thuế quan theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU đã khiến cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh tại khối thị trường này, thị phần giảm. Tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm từ 24% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019.
Khi EVFTA có hiệu lực, ngành cá ngừ Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận sự tăng trường và đang kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kể từ khi EVFTA chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tính riêng nửa đầu tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7, và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.
Số lượng đơn hàng trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở những mặt hàng thịt cá ngừ đông lạnh mã HS030487, thịt cá ngừ hấp đông lạnh các loại mã HS16041490, cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp mã HS16041419… các sản phẩm đang được miễn thuế hoàn toàn/miễn thuế theo hạn ngạch ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Với sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong hai tháng gần đây, có thể thấy việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Và dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới.
Ngành da dày "gặp khó" với mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 8 vừa qua, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,9% so với tháng 7, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 8 tháng giảm 4,3%.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép 8 tháng chỉ đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trước hàng loạt khó khăn, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm nay của toàn ngành sẽ rất khó đạt được. Bên cạnh đó, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm nhập khẩu so với tháng trước.
Các thị trường xuất khẩu giày dép khác của Việt Nam cũng bị sụt giảm mạnh, trong đó, thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất tới gần 64%, chỉ đạt 6,2 triệu USD.
Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã được nối lại nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất sụt giảm 40-50%, chạy đơn hàng theo từng tháng. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường trong nước do giá thành cao; thị trường xuất khẩu sụt giảm tới 60-70%.
Bộ Công Thương cho hay, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và EU. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 vừa qua. Tuy vậy, việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định nhằm gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Bởi trong tổng giá trị xuất khẩu hiện nay, ngành da giày chỉ hưởng 35-40% giá trị, trong đó 25-30% dùng để trả chi phí nhân công, 5% là chi phí giao nhận ngoại thương. Vì vậy, phần giá trị thực tế mà doanh nghiệp trong ngành nhận được rất ít.
Ngành da giày, túi xách Việt Nam hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, các doanh nghiệp da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, nhằm tận dụng được những cơ hội tốt từ EVFTA để phát triển.
| TGVN. Các lô hàng nông, thủy sản đầu tiên của Việt Nam sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất siêu Việt Nam đạt ... |
| TGVN. Xuất khẩu gỗ, tôm đón cơ hội vào EU; Việt Nam xuất khẩu gần 850 triệu chiếc khẩu trang y tế; giá xăng giảm... ... |
| TGVN. Tình hình xuất khẩu nông sản xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, giá tôm ... |