📞

Xuất nhập khẩu ngày 26-28/9: Giá xăng giảm 51 đồng/lít, trái cây Việt Nam thêm cơ hội ở Mỹ

Gia Thành 13:45 | 28/09/2020
TGVN. Giá xăng giảm, Canada điều tra chống bán phá giá thép cốt bê tông Việt Nam, trái cây Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu sang Mỹ... là những thông tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 26-28/9.
Bản tin xuất nhập khẩu ngày 26-28/9: Giá xăng được điều chỉnh tiếp tục giảm. (Nguồn: Zing)

Giá xăng tiếp tục giảm

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 26/9, Liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định giảm giá hầu hết các mặt hàng xăng dầu; duy nhất chỉ có giá xăng RON95-III giữ nguyên như hiện hành.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 không cao hơn 14.215 đồng/lít (giảm 51 đồng/lít so với giá hiện hành); giá xăng RON95-III không cao hơn 14.984 đồng/lít (giữ nguyên như giá hiện hành); giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.128 đồng/lít (giảm 390 đồng/lít so với giá hiện hành).

Giá dầu hỏa không cao hơn 9.449 đồng/lít (giảm 144 đồng/lít so với giá hiện hành); giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.826 đồng/kg (giảm 117 đồng/kg so với giá hiện hành).

Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 và dầu mazut; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít.

Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.100 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 524 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg; dầu diesel và dầu hỏa không chi.

Trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang phục hồi, hạn chế mức tăng, nỗ lực giữ ổn định hoặc giảm giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao (350 đồng/lít/kg -1.100 đồng/lít/kg đối với các loại xăng dầu).

Liên Bộ lý giải thêm, kỳ điều hành lần này, mặc dù giá xăng dầu thành phẩm thế giới hầu hết giảm nhẹ, riêng giá xăng RON95 tăng nhẹ so với kỳ trước nhưng nếu không tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các loại xăng sẽ tăng so với giá hiện hành. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.049 đồng/lít; xăng RON95 tăng 524 đồng/lít.

Canada điều tra chống bán phá giá thép cốt bê tông Việt Nam

Mới đây, cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cốt bê tông (Concrete reinforcing bar-mã HS: 7213.10, 7214.20, 7215.90, 7727.90) có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước.

Thời kỳ điều tra là từ ngày 1/6/2019-30/6/2020. Thời kỳ phân tích khả năng sinh lời là từ ngày 1/4/2019-30/6/2020.

Theo thông báo khởi xướng, CBSA không khởi xướng điều tra vụ việc theo Mục 20 (coi một ngành sản xuất cụ thể không hoạt động theo cơ chế thị trường và do đó áp dụng giá thay thế từ một quốc gia khác) như cáo buộc của nguyên đơn. Bản báo cáo lý do khởi xướng điều tra vụ việc dự kiến sẽ công bố trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.

CBSA yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm bị điều tra trả lời bản câu hỏi đầy đủ, đúng quy định và gửi đúng thời hạn cho CBSA theo địa chỉ email: mailto:simaregistry-depotlmsi@cbsa-asfc.gc.ca hoặc gửi đường link/cổng điện tử chuyển file an toàn theo địa chỉ email nói trên.

Thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra là ngày 29/10/2020. Bản trả lời câu hỏi có thể được trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

CBSA yêu cầu doanh nghiệp, ngay sau khi nhận được thông tin khởi xướng và bản câu hỏi điều tra, liên lạc với CBSA bằng email để xác nhận sự tham gia trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, cung cấp thông tin liên lạc, luật sư (nếu có).

Trong trường hợp doanh nghiệp không cung cấp thông tin đầy đủ cho CBSA, không đồng ý CBSA thẩm tra tại chỗ, CBSA sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có, thường là bất lợi để tính toán biên độ phá giá.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ, đúng quy định và nộp bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn; hợp tác toàn diện với CBSA trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi.

Trái cây Việt Nam lại "rộng đường" sang Mỹ

Tại họp báo về “Công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ” diễn ra mới đây, ông Timothy Westbrook, chuyên gia kiểm dịch Mỹ cho biết, đã có hơn 2.000 tấn trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ 25/3 đến nay, bất chấp dịch Covid-19. Các tháng cuối năm thường là thời điểm lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng cao. Dự kiến sẽ ở mức tương đương hoặc cao hơn so với cùng kì năm 2019.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Mỹ là đối tác thương mại nông sản vô cùng quan trọng của Việt Nam. Hiện có 6 loại trái cây của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm.

Việt Nam và Mỹ đang thống nhất các khâu kĩ thuật để tiến tới mở cửa thêm trái bưởi của Việt Nam sang Mỹ và nhập khẩu bưởi chùm của Mỹ về Việt Nam.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ và đặc biệt là cán bộ của Văn phòng APHIS Hà Nội để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật, góp phần thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.

Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2020

8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với các tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2020, tăng 8% so với năm 2019.

Theo VASEP, tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 8/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia.

Theo đó, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 23,6%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang quốc gia này trong tháng 8/2020 tăng trưởng 28,6% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 544 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 8 tháng đầu năm nay. Hoa Kỳ được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam ổn định nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Tôm Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.

Theo số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7/2020, Mỹ nhập khẩu 68.000 tấn tôm, tăng 17.000 tấn so với tháng 6/2020. Bảy tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 378.000 tấn tôm, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7/2020, trong số các nguồn cung chính, các nguồn cung tăng khối lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ gồm Ecuador, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan trong khi Ấn Độ và Trung Quốc giảm xuất khẩu sang quốc gia này.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay.

Sau khi tăng trưởng nhẹ trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng 15,7%, đạt 58,8 triệu USD trong tháng 8. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 313,7 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Điều này có được là nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Kết quả xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm 2020 được các chuyên ga nhận định là khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 làm biến động nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính và tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa lắng xuống ở cả các thị trường và các nước sản xuất lớn. Với những tín hiệu khả quan này, VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.