Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường EU là thông tin đáng chú ý trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 3-6/11. Nguồn: BDT) |
Nhập khẩu hàng hóa phục hồi
Sau 10 tháng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục khả quan khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đang dần phục hồi tốt. Xuất siêu cũng tiếp tục được duy trì với con số cao kỷ lục.
Theo số liệu sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước trong tháng 10 đạt 51,36 tỷ USD, tương đương với mức trị giá của tháng 9 trước đó.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,17 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 24,19 tỷ USD, bằng với mức trị giá của tháng 9/2020.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 439,82 tỷ USD, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 229,65 tỷ USD, tăng 4,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 210,17 tỷ USD, tăng 0,3%.
Đáng chú ý, sau nhiều tháng tăng trưởng âm, đến hết tháng 10, hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng trưởng dương.
Phân tích kỹ hơn về câu chuyện nhập khẩu, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có một lưu ý quan trọng là những tháng trước, nhập khẩu hàng hóa giảm nhưng là giảm nhập khẩu những mặt hàng mà chúng ta cần quản lý để hướng tới mục tiêu sâu xa hơn là cân bằng thương mại, hướng đến xuất nhập khẩu bền vững.
Cụ thể, ô tô dưới 9 chỗ ngồi giảm tới 29%, rau quả, trái cây giảm tới 33%. Một số mặt hàng xa xỉ đắt tiền cũng giảm tới 7%. Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam đang được quản lý tốt với việc các loại nguyên nhiên liệu, mặt hàng công nghiệp phụ trợ cho sản xuất vẫn có mức tăng trưởng tốt.
Đến tháng 10, nhập khẩu hàng hóa đang có dấu hiệu phục hồi, cho thấy nhu cầu nhập nguyên phụ liệu tiếp tục tăng cao trong dịp cuối năm để phục vụ các nhu cầu hàng hóa dịp Lễ, Tết cho cả trong nước và xuất khẩu.
Nhiều tín hiệu tốt cho gạo Việt vào EU
Theo đánh giá của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) khi mở rộng được hạn ngạch. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10,05 triệu USD, tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, so với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.
Dẫn chứng tại thị trường Bulgaria, ông Daniel Dobrev, Tham tán kinh tế và thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam cho hay, Bulgaria là quốc gia nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bulgaria vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để cải thiện điều này, Việt Nam cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị châu Âu như: bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thông tin thêm về hạn ngạch và số lượng hạn ngạch được sử dụng trong đó.
Ông Daniel Dobrev cũng kỳ vọng, thông qua Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam (EVFTA), các công ty của Bulgaria sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 tấn gạo từ Việt Nam.
Trong khi đó, ông Piotr Harasimowicz, Trưởng văn phòng đại diện, văn phòng đầu tư thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị rằng, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ tập trung vào khâu marketing, đóng gói nhãn mác, phát triển thương hiệu. Bởi thực tế, thị trường Ba Lan hay EU đều rất cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan, Campuchia, Myanmar và từ các khu vực khác.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp định EVFTA là cơ hội rất tốt cho ngành lương thực Việt Nam. Mặc dù sản lượng xuất khẩu rất nhỏ, đặc biệt là đối với gạo thơm, một mặt hàng rất khó vào thị trường EU, song từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 đã có 10 doanh nghiệp nộp hồ sơ với số lượng là 5.932 tấn, trong đó, một số lô hàng đã được cấp giấy và đưa vào thị trường.
Điều này cho thấy, gạo thơm của Việt Nam đã đủ các điều kiện để vào thị trường này. Kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn.
Lưu ý cho cà phê sang châu Âu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiện nay, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy là các quốc gia có lượng tiêu thụ bình quân cà phê trên đầu người mỗi năm khá cao và xếp vào top đầu trên thế giới, sau Phần Lan.
Na Uy đứng thứ hai trên thế giới về tiêu thụ cà phê bình quân đầu người với mức ước tính 9,9 kg mỗi năm. Đan Mạch và Thụy Điển xếp thứ tư và thứ sáu trong bảng xếp hạng này, với lần lượt 8,7 kg và 8,2 kg.
Ở Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, cà phê chủ yếu được tiêu thụ là cà phê đen, không có sữa và đường, vì vậy chất lượng của cà phê rất quan trọng. Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch lần lượt là 44%, 40% và 27%.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, giá trị khoảng 6,8 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, mỗi năm các nước này nhập khẩu khoảng 455 triệu USD và chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Honduras.
Các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt quan tâm.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% sẽ giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực này và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào khu vực này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng vào khâu canh tác, phát triển sản xuất xuất gắn với môi trường bền vững để tạo thu hút người tiêu dùng.
Ngoài ra, phân khúc cà phê cao cấp phát triển mạnh tại khu vực Bắc Âu. Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản.
Doanh nghiệp dệt may khó hưởng lợi từ EVFTA
Yêu cầu dùng nguồn vải trong nước vẫn là "nút thắt" của ngành dệt may khiến các doanh nghiệp khó hưởng ưu đãi thuế quan từ EU.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, phần lớn các mặt hàng dệt may, chiếm 77,3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình 5 năm, số còn lại đi theo lộ trình 7 năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của SSI Reseach, sớm nhất phải đến tháng 8/2021 các doanh nghiệp dệt may mới có khả năng được hưởng ưu đãi thuế. Trước EVFTA, xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam sang châu Âu được hưởng ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) tiêu chuẩn, trong đó thuế nhập khẩu hàng may mặc là 9,6%.
SSI lưu ý, việc thiếu hụt nguyên liệu vải trong nước vẫn là nút thắt của ngành khiến các doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan.
Do đo, muốn được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng vải sản xuất trong nước hoặc vải nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khoảng 60-70% vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vải nhập từ Hàn Quốc hiện chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu vải.
Trong vòng 2 năm đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục chịu thuế theo chế độ GSP hoặc theo EVFTA. Nhưng từ năm thứ 3 trở đi, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ như quy định của EVFTA thì mức thuế sẽ tăng lên 12% - là mức thuế cơ sở theo chế độ tối huệ quốc (MFN).
Về lâu dài, SSI cho rằng Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm nhằm gia tăng tỷ trọng vải sản xuất nội địa, và phải đảm bảo đủ quy mô để cạnh tranh được về giá thành so với vải Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu của SSI kết luận, khả năng hưởng lợi của ngành dệt may phụ thuộc vào năng lực cung ứng vải nội địa trong 2 năm tới.
| Xuất nhập khẩu ngày 30/10-2/11: Lý do da giày 'trượt đích', thủy sản 'chạy nước rút', xuất khẩu thu về hơn 229 tỷ USD trong 10 tháng TGVN. Xuất khẩu da dày khó về đích, thủy sản tiếp tục có triển vọng tích cực, trong 10 tháng, xuất khẩu thu về hơn ... |
| Xuất nhập khẩu 27-30/10: Lưu ý khi giao thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Tiếp tục lập kỷ lục xuất siêu; Ô tô nhập khẩu tăng TGVN. Xuất siêu 10 tháng đầu năm đạt 18,72 tỷ USD, ô tô nhập khẩu tháng 10 tăng hơn 16%; Bộ Công Thương khuyến cáo ... |
| Xuất nhập khẩu ngày 23-25/10: Thị trường lúa gạo sôi động, xuất khẩu hạt tiêu đang 'lấy lại phong độ' TGVN. Thị trường lúa gạo sôi động hơn, Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu hạt ... |