📞

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Cận cảnh chiến trường Nagorno-Karabakh ác liệt qua ảnh

Dương Liễu 10:13 | 13/10/2020
TGVN. Xung đột Armenia-Azerbaijan nổ ra từ ngày 27/9 tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, với nhiều xe tăng, pháo và máy bay được huy động vào cuộc chiến khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn.

Theo Al Jazeera, tâm điểm của mâu thuẫn Armenia-Azerbaijan là Nagorno-Karabakh, vùng đất rộng khoảng 4.400 km2 với phần lớn người Armenia thiểu số, do chính quyền Xô Viết sáp nhập thành vùng tự trị thuộc Azerbaijan vào năm 1921. Dần dần, vùng này có xu hướng đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền Azerbaijan.

Binh sĩ thuộc lực lượng quân sự Armenia bắn pháo trong khi giao tranh với lực lượng Azerbaijan ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, ngày 29/9. (Nguồn: Reuters)

Năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu về việc sáp nhập vùng trên vào Armenia. Tuy nhiên, Azerbaijan và Nga cực lực phản đối. Từ đó, phong trào ly khai tại Nagorno-Karabakh ngày càng lớn dần, cuốn Armenia và Azerbaijan vào cuộc chiến quy mô lớn khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải sơ tán.

Dù đạt thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 dưới sự hòa giải của các nước Nga, Mỹ và Pháp, tiến trình hòa đàm vẫn bế tắc, các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra tại Nagorno-Karabakh và dọc biên giới 2 nước. Đáng chú ý, vào tháng 4/2016, hai bên đụng độ tại Nagorno-Karabakh khiến khoảng 110 người thiệt mạng và là xung đột khốc liệt nhất sau thỏa thuận ngừng bắn. Một vụ đụng độ khác vừa xảy ra vào tháng 7 năm nay khiến ít nhất 17 binh sĩ thuộc 2 bên thiệt mạng.

Ngày 27/9 vừa qua, xung đột giữa hai nước lại xảy ra tại khu vực tranh chấp. Sau 2 tuần giao tranh khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người khác phải đi sơ tán, ngày 10/10, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.

Theo Reuters, thỏa thuận được đàm phán tại Moscow này không nói rõ thời gian ngừng bắn là bao lâu. Tuy nhiên, cũng theo Reuters, chỉ ít phút sau thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, đã có báo cáo về các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục xảy ra ở Nagorno-Karabakh, bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Nga.

Mới đây nhất, đêm 11 và sáng 12/10, lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục giao tranh, cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết đã "tiêu diệt" một số lớn lực lượng của đối phương, cũng như 1 xe tăng T-72 và 3 bệ phóng tên lửa đa nòng Grad, đồng thời thông báo, lực lượng vũ trang Armenia đã pháo kích vào huyện Aghdam trên giới tuyến ở Nagorno-Karabakh.

Về phía Armenia, nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Shushan Stepanyan cho hay, quân đội Azerbaijan đã pháo kích dữ dội ở mặt trận phía Nam, đồng thời khẳng định Azerbaijan chịu tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

Ngày 12/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói đang theo dõi sát các diễn biến trên thực địa, đồng thời nhấn mạnh, việc hai bên tôn trọng lệnh ngừng bắn là điều cực kỳ quan trọng.

Dưới đây là cận cảnh hình ảnh chiến sự ác liệt ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh trong hơn 2 tuần qua:

Nagorno-Karabakh nằm ở Caucasus, một vùng núi giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran. (Nguồn: Google Maps)
Bức ảnh do Bộ Ngoại giao Armenia công bố cho thấy một người đàn ông, được cho là dân thường, đến từ Nagorno-Karabakh đang được điều trị y tế, ngày 27/9. Trong hai tuần giao tranh, cả hai bên đều cáo buộc nhau mở rộng chiến sự ra ngoài Nagorno-Karabakh và nhắm vào dân thường. (Nguồn: Reuters)
Người dân xem kênh truyền hình quốc gia trước khi ngủ trong hầm trú bom ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh, ngày 28/9. (Nguồn: AP)
Đặc công làm việc bên cạnh tên lửa BM-30 Smerch chưa nổ được cho là do lực lượng Armenia bắn gần nhà máy thủy điện Mingachevir ở thị trấn Mingachevir, Azerbaijan, ngày 5/10. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, các khu vực đông dân cư ở Nagorno-Karabakh bị tấn công bằng tên lửa. (Nguồn: Reuters)
Khói đen bốc lên gần các tòa nhà trong cuộc xung đột quân sự tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, ngày 4/10. Ngày 10/10, dưới sự trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn sau hai tuần xung đột, giành quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. (Nguồn: Reuters)
Những người lính cứu hỏa làm việc khi một tòa nhà trong khu dân cư bốc cháy sau trận pháo kích vào đêm 3/10. Cả hai bên đều cáo buộc nhau cố tình tấn công các tòa nhà dân sự. (Nguồn: AP)
Đạn pháo giao tranh giữa hai bên bắn thủng mái nhà thờ Chúa cứu thế ở Shushi, ngoại ô Stepanakert, Nagorno-Karabakh, ngày 8/10. Theo Al Jazeera, Bộ Quốc phòng Azeibaijan tuyên bố: "Thông tin về thiệt hại đối với nhà thờ ở Shusha không liên quan gì đến các hành động quân sự của quân đội Azerbaijan”. Nước này khẳng định không nhắm mục tiêu vào các tòa nhà và di tích lịch sử, văn hóa hoặc đặc biệt là tôn giáo. Theo báo chí địa phương, một nhóm trẻ em đang ở bên trong nhà thờ vào thời điểm vụ đánh bom xảy ra, rất may không có thương vong. (Nguồn: AP)
Người dân tập trung dưới tầng hầm của một tòa ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh, để trú bom, ngày 5/10. Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh, điện sinh hoạt đã bị mất hoàn toàn. (Nguồn: Reuters)
Lính cứu hỏa dập tắt chiếc ô tô đang bốc cháy ở Stepanakert, Nagorno Karabakh, ngày 4/10. (Nguồn: AP)
Người đàn ông đứng giữa đống đổ nát của ngôi nhà mình bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh, ngày 7/10. Đầu tuần trước, một quan chức của Nagorno-Karabakh cho biết trận pháo kích đã khiến hàng nghìn người phải đi di tản lánh nạn. Trang Guardian dẫn lời quan chức trên cho biết, theo ước tính sơ bộ, khoảng 50% dân số Karabakh và 90% phụ nữ và trẻ em (tương đương 70.000-75.000 người) đã phải di tản. (Nguồn: Getty)
Người dân địa phương tổ chức lễ tang cho một quân nhân người Azerbaijan đã thiệt mạng trong trận đấu tại một trong những ngôi làng giáp với Nagorno-Karabakh, ngày 8/10. (Nguồn: Getty)
Người dân địa phương trú ẩn trong một hầm tự đào ở thành phố Terter, Azerbaijan, ngày 6/10. (Nguồn: Reuters)
Cuốn kinh thánh nằm trên bàn thờ bên trong nhà thờ Ghazanchetsots bị hư hại do bom đạn chiến tranh ở thành phố lịch sử Shusha, gần thủ phủ của vùng Nagorno-Karabakh đang tranh chấp. (Nguồn: Getty)
Cụ bà cầm súng ngồi ở cửa nhà trong cuộc pháo kích giữa Armenia-Azeibaijan gần thành phố Stepanakert thuộc khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Nguồn: Shutterstock)

(theo BI)