📞

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Mỹ làm trung gian hòa giải, bắt đầu đàm phán kín, tin tưởng ‘hòa bình trong tầm tay’

Hải An 06:43 | 28/06/2023
Ngày 27/6, Mỹ đã khai mạc 3 ngày hòa đàm giữa Armenia và Azerbaijan - nỗ lực mới nhất của Washington nhằm dập tắt một cuộc xung đột đã nhiều lần bùng phát.
Mỹ khai mạc 3 ngày hòa đàm giữa Armenia và Azerbaijan, tại Washington, ngày 27/6. (Nguồn: trend.az)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu các cuộc đàm phán kín với Ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan tại một văn phòng Bộ Ngoại giao ngay bên ngoài Washington. Đây vòng đàm phán thứ 2 mà nhà ngoại giao Mỹ chủ trì trong nhiều tháng qua.

Phát biểu trước thềm vòng đàm phán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Chúng tôi tiếp tục tin rằng hòa bình nằm trong tầm tay, đối thoại trực tiếp là chìa khóa để giải quyết các vấn đề còn lại và đạt được một nền hòa bình bền vững".

Trong diễn biến khác liên quan, ngày 26/6, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, đối với Armenia và Azerbaijan, việc công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau là bước "quan trọng" hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Theo một tuyên bố được đăng trên trang web của Văn phòng Tổng thống Iran, nhận định trên được ông Raisi đưa ra trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Tổng thống Raisi nhấn mạnh rằng "bầu không khí an ninh" dọc biên giới Armenia-Azerbaijan nên được thay thế bằng bầu không khí kinh tế càng sớm càng tốt.

Ông nhấn mạnh, Iran phản đối bất kỳ sự thay đổi địa chính trị hoặc sự hiện diện của các lực lượng phương Tây nào ở Kavkaz, vì sự hiện diện của người ngoài không những không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà còn làm nảy sinh những vấn đề mới.

Armenia và Azerbaijan đã tranh chấp khu vực miền núi Nagorny-Karabakh kể từ năm 1988. Các cuộc đàm phán hòa bình đã được tổ chức từ năm 1994, khi một lệnh ngừng bắn được nhất trí, song vẫn có những cuộc đụng độ nhỏ lẻ.

Một đợt xung đột vũ trang mới đã nổ ra dọc theo đường ranh giới vào ngày 27/9/2020, trước khi Nga làm trung gian cho lệnh ngừng bắn vào ngày 9/11/2020. Kể từ đó, hai bên đã ngồi lại đàm phán về một thỏa thuận hòa bình.

Washington, Moscow và Liên minh châu Âu (EU) đều đang tìm cách thức riêng để giúp đảm bảo hòa bình bền vững giữa Armenia và Azerbaijan.

(theo AFP, Reuters, THX)