Nhỏ Bình thường Lớn

Xung đột Israel-Hamas: Bài toán khó cho Liên hợp quốc

Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ xung đột Israel-Hamas.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Thomas Linda Greenfield phát biểu về xung đột Israel - Hamas, ngày 30/10. (Nguồn: Getty Images)
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Thomas Linda Greenfield phát biểu về xung đột Israel - Hamas, ngày 30/10. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 31/10, cộng đồng quốc tế tiếp tục chấn động trước thông tin về vụ tấn công của các máy bay chiến đấu Israel vào trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza. Bộ Nội vụ Hamas cho biết, vụ tấn công khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và bị thương.

Người phát ngôn của cơ quan này Iyad al-Bozzom nhấn mạnh: “Các máy bay chiến đấu của Israel đã đánh bom một khu dân cư trong trại tị nạn Jabalia ở Bắc Dải Gaza bằng bảy quả bom, mỗi quả mang theo nghìn tấn thuốc nổ”. Con số được Israel đưa ra là 50 người thiệt mạng và 150 người bị thương, trong đó có chỉ huy cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ibrahim Biari.

Phản ứng trước vụ việc trên, Bộ Ngoại giao các nước Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia đồng loạt phản đối. Trong khi đó, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell kêu gọi ngừng xung đột và chỉ trích các đợt tấn công người Palestine ở khu Bờ Tây. Trong cuộc điện đàm ít lâu sau vụ việc nêu trên, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ sớm trở lại Trung Đông ngày 3/11, với điểm dừng chân là Israel và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, vụ việc vừa qua tại trại Jabalia mới chỉ là “bề nổi” của những gì có thể diễn ra tại Dải Gaza thời gian tới. Hai bệnh viện lớn nhất tại khu vực này đang cạn kiệt nhiên liệu, khiến việc điều trị cho ít nhất 22.000 người bị thương gặp khó khăn. Nguồn nước chỉ còn đáp ứng 5% nhu cầu sinh hoạt. Hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người chưa rời khỏi phía Bắc Dải Gaza, khu vực sẽ nằm trong chiến dịch của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) những ngày tới. Khi đó, thương vong cho người Palestine và cả người Israel sẽ không dừng lại ở các con số 8.500 và 1.400.

Nhiệm vụ nặng nề

Trong bối cảnh thế giới chia rẽ sâu sắc về xung đột này với không nhiều giải pháp, mọi ánh mắt đổ dồn về Liên hợp quốc (LHQ). Điều này khiến tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đứng trước áp lực ngày một lớn từ mọi phía.

Trước hết, thực tế cho thấy kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát ngày 7/10, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga hay Brazil đều đã đưa ra những dự thảo nghị quyết khác nhau của riêng mình trước Hội đồng Bảo an (HĐBA). Hai bản dự thảo của Nga không giành đủ chín phiếu cần thiết để thông qua nghị quyết vì một số nước thành viên cho rằng họ không có tiếng nói trong quá trình soạn thảo. Trong khi đó, phiên bản của Brazil và Mỹ giành đủ số phiếu cần thiết, nhưng lại bị các nước Ủy viên thường trực HĐBA phủ quyết. Mỹ phủ quyết dự thảo của Brazil; Trung Quốc và Nga làm điều tương tự với đề xuất từ xứ cờ hoa.

Thực tế này phản ánh chia rẽ sâu sắc về xung đột Israel - Hamas trong nội bộ HĐBA, cơ quan hiếm hoi có khả năng thông qua các nghị quyết có tính ràng buộc tới các nước thành viên tại LHQ. Khi đó, sự chú ý được dành cho Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, nơi các nghị quyết, vốn không có tính ràng buộc, dễ thông qua hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi chuyện dễ dàng.

Dự thảo đầu tiên của Jordan, đại diện cho nhóm các nước Arab, với sự điều chỉnh của phía Canada nhằm đề cập cuộc tấn công của Hamas và yêu cầu “an toàn, ổn định và đối xử nhân đạo của các con tin” chỉ giành được 88/193 phiếu, không đủ hai phần ba để ĐHĐ LHQ thông qua. Chỉ sau hàng loạt điều chỉnh, với sự vắng bóng của cụm từ “Hamas” và sự xuất hiện của lời kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững, hướng đến chấm dứt thù địch”, nghị quyết mới được thông qua với 120 phiếu ủng hộ, 14 phiếu phản đối và 45 phiếu trắng.

Đáng chú ý, chính quyền Palestine khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ” với văn bản này, cho rằng: “cộng đồng quốc tế đã lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất chống lại các hành động của Israel”, dù trước đó chính nước này đã chỉ trích LHQ thiếu quyết liệt. Cả Pháp, Tây Ban Nha, Anh cũng ủng hộ văn bản trên.

Tuy nhiên, Mỹ và Israel đã phản ứng gay gắt. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas Greenfield cho rằng với việc không đề cập Hamas, văn bản trên đã “củng cố sức mạnh cho lực lượng quân sự đang kiểm soát Dải Gaza”.

Quyết liệt hơn cả là phản ứng từ phía Israel. Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho rằng, lời kêu gọi ngừng bắn “không phải nỗ lực vì hòa bình… mà để trói tay Israel, ngăn chúng tôi loại bỏ mối đe dọa lớn nhất với công dân”. Viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Eli Cohen nhấn mạnh: “Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn lời kêu gọi của ĐHĐ LHQ về việc ngừng bắn. Israel có ý định loại bỏ Hamas giống như cách thế giới đối phó với Đức Quốc xã và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa Israel và LHQ đã xấu đi nhanh chóng chỉ trong vài tuần vừa qua. Ngày 25/10, sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ trích gián tiếp Nhà nước Do Thái vì đã kêu gọi người Palestine sơ tán khỏi Dải Gaza, Đại sứ Gilad Erdan đã đề cập khả năng không cấp visa cho nhân viên tổ chức này, thậm chí lên tiếng kêu gọi người đứng đầu tổ chức đa phương này từ chức. Về phần mình, Ngoại trưởng Eli Cohen hủy cuộc gặp đã lên kế hoạch trước với ông Guterres khi Tổng thư ký LHQ đang có chuyến thăm Israel.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 1/11, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Tôi vô cùng cảnh giác trước sự leo thang xung đột giữa Israel và Hamas cũng như các nhóm vũ trang Palestine khác ở Dải Gaza. Điều này bao gồm việc mở rộng chiến dịch trên bộ của IDF, kèm theo không kích dữ dội, cũng như tấn công bằng tên lửa liên tục từ dải Gaza vào Israel”.

Liệu sự “cảnh giác” của ông có thể được chuyển hóa thành hành động cụ thể, dập tắt hiệu quả ngọn lửa xung đột ở Dải Gaza và Trung Đông?

Xung đột Israel - Hamas ‘bước vào giai đoạn mới’, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng, Nga nói gì?

Xung đột Israel - Hamas ‘bước vào giai đoạn mới’, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng, Nga nói gì?

Nhà nước Do Thái nỗ lực giải cứu con tin, Iran và Qatar chỉ trích… là một số tin tức đáng chú ý về xung ...

Đại diện 65 quốc gia tới Malta bàn về công thức hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine

Đại diện 65 quốc gia tới Malta bàn về công thức hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine

Đây là cuộc họp thứ ba trong năm nay nhằm tìm ra cách hòa giải Nga-Ukraine, sau hai lần trao đổi ở Jeddah (Saudi Arabia) ...

Bộ trưởng Quốc phòng Israel: Hamas thao túng tâm lý con tin

Bộ trưởng Quốc phòng Israel: Hamas thao túng tâm lý con tin

Ngày 29/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cáo buộc Hamas đang chơi trò tâm lý với các con tin, sau khi đề nghị ...

Nga sẵn sàng đàm phán về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine, cáo buộc NATO lan rộng xung đột, cảnh báo hậu quả khó lường

Nga sẵn sàng đàm phán về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine, cáo buộc NATO lan rộng xung đột, cảnh báo hậu quả khó lường

Ngày 30/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tình hình Trung Đông: Trung Quốc hứa hẹn giải pháp chính trị cho xung đột, Kuwait lên án cuộc tấn công của Israel, còi báo động vang bên bờ Biển Đỏ

Tình hình Trung Đông: Trung Quốc hứa hẹn giải pháp chính trị cho xung đột, Kuwait lên án cuộc tấn công của Israel, còi báo động vang bên bờ Biển Đỏ

Ngày 31/10, Trung Quốc đã cam kết sẽ hành động vì một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đang gia tăng giữa Israel ...