📞

Xung đột Israel-Hamas: Nỗi đau nhân đạo xói mòn lòng tin

Hạ Nhi 10:09 | 21/07/2024
Nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) số ra ngày 16/7 đăng tải bài phân tích với nhận định rằng Israel chưa thể đánh bại được phong trào Hamas và các chiến thuật của họ dường như lại đang tiếp thêm sức cho lực lượng Palestine này.
Người Palestine di tản khỏi khu vực bị Israel không kích tại nhà thờ Hồi giáo Sousi ở Thành phố Gaza vào ngày 9/10/2023. (Nguồn: AFP)

Theo bài viết, cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza (vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng) bùng phát vào ngày 7/10/2023, đang đẩy thế giới vào sự hỗn loạn hơn nữa và chia rẽ cộng đồng quốc tế thành một “chiến trường tư tưởng” có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Israel đã “san phẳng” Gaza nhưng đang bị kéo vào vũng lầy sau khi không thể kết thúc những giao tranh ở đây.

Tác dụng ngược

Đã hơn 9 tháng kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ nhưng Israel vẫn còn rất lâu mới đạt được mục tiêu xóa sổ Hamas. Trong khi đó, sự tàn phá chỉ làm tăng thêm sự ủng hộ của người dân Palestine đối với lực lượng Hamas.

Ngày 10/7, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ra lệnh cho cư dân Gaza (thành phố lớn nhất của khu vực) sơ tán về phía Nam để chuẩn bị cho một “chiến dịch chống khủng bố” nhằm vào phong trào Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (một nhóm chiến binh Palestine khác) tại Gaza.

Vào thời điểm bắt đầu cuộc xung đột, lực lượng Israel đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố ở phía Bắc Dải Gaza để sơ tán hầu hết cư dân về phía Nam và tiến hành một chiến dịch càn quét chống lại nhóm Hamas.

Với sức tàn phá vào thời điểm đó, Israel kết luận rằng họ đã đuổi được phong trào Hamas ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, nhóm Hamas đã quay trở lại và Israel hiện đang một lần nữa tiến hành trục xuất những cư dân vừa trở về.

Vào ngày 24/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết giai đoạn căng thẳng hiện tại của cuộc giao tranh giữa Israel với Hamas ở Gaza “sắp kết thúc”, đồng thời đề cập khả năng chuyển quân đến khu vực phía Bắc của khu vực (giáp với Lebanon) để chống Hezbollah. Những phát biểu này phủ bóng đen lên tuyên bố chấm dứt giao tranh quy mô lớn ở Dải Gaza.

Cho đến nay, Israel đã gửi khoảng 40.000 quân; khoảng 80% trong số 2,3 triệu dân ở Dải Gaza trở thành người tị nạn; ít nhất 38.000 người (70% trong số đó là thường dân) thiệt mạng và thả ít nhất 70.000 tấn thuốc nổ. Con số này lớn hơn số bom thả xuống London, Dresden và Hamburg trong Thế chiến II. Hơn một nửa số tòa nhà trong khu vực bị phá hủy, nguồn cung cấp nước, điện và nhiên liệu bị cắt trong chiến dịch khiến người dân chết đói.

Thế bế tắc của Israel

Cuộc xung đột quân sự ở Gaza đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 4/2024. Trong giai đoạn đầu, Israel đã mở một cuộc càn quét từ Bắc xuống Nam, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện, khiến 1,2 triệu cư dân Gaza phải di cư đến thành phố Rafah ở đầu phía Nam của dải đất này.

Tuy nhiên, cuối cùng, Tel Aviv đã thay đổi quan điểm trong bối cảnh Mỹ và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế đưa ra cảnh báo và phản đối do lo ngại có tổn thất về dân sự. Vào thời điểm này, truyền thông phương Tây cũng bắt đầu đưa ra quan điểm mặc dù Israel có thể đã giành chiến thắng nhưng thực tế là họ lại đang thua cuộc.

Tờ New York Times hồi tháng 4 đưa ra kết luận rằng Israel đã “không đạt được các mục tiêu chính: giải thoát con tin và tiêu diệt hoàn toàn nhóm Hamas”. Tờ báo cũng lưu ý rằng “nỗi đau khổ của người Palestine làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Israel ngay cả trong số các đồng minh của họ”.

Trong số 253 con tin ban đầu bị bắt, 109 người đã được thả để đổi lấy tù nhân Palestine trong một tuần ngừng bắn vào tháng 11/2023. Kể từ đó, chỉ có thêm 3 người được thả thông qua các hoạt động quân sự, trong khi 12 người khác đã chết. Trong số những người chết có 3 người thiệt mạng trong các hoạt động của lực lượng Israel. Điều này có nghĩa là tổng cộng vẫn còn 129 con tin, dù Israel ước tính rằng ít nhất 34 người trong số họ cũng đã chết.

Dù vậy, xuất hiện trước Knesset (Quốc hội Israel) ngày 17/7, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng 60% chiến binh Hamas đã bị giết hoặc bị thương. Quân đội Israel ước tính cho đến nay đã có tổng cộng 14.000 thành viên Hamas bị thiệt mạng (bao gồm 13.000 người vào tháng 4/2024).

Thành phố Gaza trong một cuộc không kích, ngày 9/10. (Nguồn: AFP)

Hamas ngày càng “sung mãn”?

Trong bài viết có tựa đề “Hamas đang chiến thắng”, Giáo sư Robert Pape của Đại học Chicago đã nhấn mạnh rằng, lực lượng Hamas đang ở trong tình trạng sung mãn và ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân.

Phía Hamas ước tính số người thiệt mạng của họ vào khoảng 6.000 đến 8.000 người, trong khi các cơ quan tình báo Mỹ ước tính rằng con số này vào khoảng 10.000 người. Hamas vẫn có khả năng huy động khoảng 15.000 thành viên ở Dải Gaza, trong khi 80% đường hầm của họ trong khu vực vẫn đang hoạt động.

Trong số những lý do tuyên bố Hamas chiến thắng, Giáo sư Pape trích dẫn các luận điểm rằng mặc dù đã mất nhiều thành viên cho đến nay nhưng Hamas vẫn có thể bổ sung lực lượng của mình (một khả năng được xây dựng dựa trên sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân).

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và khảo sát Palestine, sự ủng hộ dành cho Hamas đã tăng gấp hai lần kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Israel vào ngày 7/10/2023.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3/2024 cho thấy 73% cư dân Palestine đồng ý rằng cuộc tấn công trả đũa của Hamas vào tháng 10/2023 là chính đáng; 53% thậm chí còn cho biết họ ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào thường dân Israel. Lý do cho điều này có thể bắt nguồn từ nỗi đau khổ và bi kịch mà cư dân dải đất này phải trải qua kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, với 60% người dân Gaza đã mất ít nhất một thành viên trong gia đình và 75% có thành viên gia đình bị thương hoặc thiệt mạng.

Những “chiếc bẫy” khó tránh

Một chiếc bẫy đối với Israel trong cuộc xung đột ở Gaza là Tel Aviv chưa có bất kỳ kế hoạch hoặc chiến lược rút lui nào. Vào cuối tháng 5, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi dự đoán rằng cuộc xung đột ở Gaza sẽ tiếp diễn trong suốt năm 2024 và kéo dài “ít nhất 7 tháng nữa”.

Israel không chỉ không đạt được mục tiêu của mình mà bản thân ông Netanyahu còn phải từ chức sau khi cuộc xung đột kết thúc và Israel không có kế hoạch hay lý do nào để chấm dứt những giao tranh. Trên thực tế, kế hoạch của Tel Aviv là chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden muốn giao quyền kiểm soát Gaza cho Chính quyền Palestine kiểm soát Bờ Tây nhưng ông Netanyahu và nội các cực hữu của ông lại phản đối kịch liệt. Những nhân vật cực hữu như Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir đã kêu gọi chiếm đóng hoàn toàn Dải Gaza và đưa nó vào lãnh thổ Israel.

Từ cuối năm 2023, Israel đã xây dựng một vùng đệm rộng 1 km trong một hành lang đi qua vùng ngoại ô và trung tâm Gaza. Đối với người dân Gaza, việc tạo ra vùng đệm này trong và xung quanh một khu vực chỉ dài khoảng 40 km và rộng từ 5 đến 12 km đồng nghĩa với việc thu hẹp đáng kể lãnh thổ của họ và thực tế là họ bị cô lập và mất kết nối.

Các hãng tin tức của Israel đưa tin rằng Tel Aviv hiện đang rút quân khỏi Gaza và triển khai đến biên giới phía Bắc với Lebanon để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ toàn diện với nhóm Hezbollah. Vào đầu cuộc xung đột ở Gaza, Israel đã đụng độ với Hezbollah để tránh sự lên án từ cộng đồng quốc tế, nhưng kết quả là 100.000 công dân của họ ở phía Bắc đã trở thành người tị nạn. Giờ đây, một cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah đang trở thành một cái bẫy khác mà Israel không dễ dàng tránh được.