Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 2 năm rưỡi qua. (Nguồn: DSM) |
Ukraine khó vẫn quyết thắng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoàn tất “Kế hoạch chiến thắng” và thuyết phục, tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và NATO. Cốt lõi của kế hoạch là NATO, EU khẳng định an ninh, vị thế địa chính trị của Ukraine, viện trợ quân sự với vũ khí hiện đại, không bị hạn chế sử dụng và cung cấp tài chính nhiều hơn cho cuộc xung đột và tái thiết hậu xung đột.
Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 20/9, Tổng thống Ukraine gây sức ép lên đồng minh: “Toàn bộ kế hoạch dựa trên các quyết định nhanh chóng từ các đối tác (NATO, EU, Mỹ)…, và không thể trì hoãn các tiến trình này”. Trong chuyến công cán Mỹ lần này, ông Zelensky thuyết trình kế hoạch với Tổng thống Joe Biden coi đó là chỗ dựa chính: Hầu hết quyết định của kế hoạch phụ thuộc vào ông ấy (Joe Biden)… dựa trên thiện chí và sự ủng hộ của Mỹ.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh “mối đe dọa Nga”, nói rằng Ukraine đang chiến đấu vì an ninh của EU, Mỹ, nên đồng minh phương Tây phải có trách nhiệm! Từ nay đến hết năm 2024, nếu đồng minh không quyết định hỗ trợ hết lòng, sẽ bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Qua đó, Kiev muốn lôi kéo NATO, phương Tây vào cuộc xung đột chống Nga.
Ngày 6/8, Ukraine tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất, bất ngờ mở chiến dịch tiến công tỉnh Kursk, Nga và chiếm giữ cho đến nay. Tuy đánh giá rất khác nhau (táo bạo, liều lĩnh, lợi bất cập hại), nhưng Kiev cũng đạt được một số mục tiêu, gây sức ép quân sự, chính trị, kinh tế, buộc Nga giảm áp lực tiến công ở Donesk, “làm vốn” để trao đổi khi cần…
Đặc biệt, đòn tiến công Kursk được xem là con bài chốt để thuyết phục đồng minh tin tưởng vào kế hoạch chiến thắng của Ukraine. Chưa biết khả năng thực tế của kế hoạch đến đâu, nhưng Ukraine đang phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Trong khi đó, EU, NATO và Mỹ cũng dần thấy “khó nghĩ”!
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất đạn dược ở Scranton, Pennsylvania mà ông cho biết đang đẩy mạnh sản xuất đạn pháo 155 mm để viện trợ cho Ukraine, ngày 22/9. (Nguồn: AFP) |
NATO quyết can dự nhưng vẫn loay hoay
Được đồng minh phương Tây “chống lưng” hết mình, nếu không Kiev khó trụ vững đến bây giờ. Mức độ viện trợ, hỗ trợ tăng dần, nhất là các loại vũ khí hiện đại và tài chính. Trong chuyến thăm Ukraine ngày 20/9, Chủ tịch EC đã công bố việc thiết lập 2 cơ chế tín dụng mới cho Kiev vay tới 45 và 35 tỷ Euro. Cuối tháng 4, Mỹ đã kịp thông qua gói viện trợ trị giá 60,84 tỷ USD trước kỳ bầu cử tổng thống. Nhưng điểm quan trọng mang tính biểu tượng là cho phép Ukraine sử dụng các loại vũ khí tầm xa tiến công sâu vào lãnh thổ Nga, thì NATO, EU vẫn loay hoay.
Ngày 19/9, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết ủng hộ dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí và cam kết “hỗ trợ tập thể và song phương” cho Ukraine. Tuy nhiên, nó mang nặng tính khuyến nghị; nhiều thành viên EU vẫn lưỡng lự. Đến thời điểm này, Mỹ, Anh, hai quốc gia cứng rắn nhất cũng lập lờ về quan điểm. Không phải họ “lo cho Nga” mà e ngại một cuộc chiến toàn cầu, thậm chí là chiến tranh hạt nhân, nếu Moscow bị khiêu khích. Hơn thế nữa, việc sử dụng vũ khí hiện đại đòi hỏi phải đồng bộ, cần huấn luyện kỹ và có chuyên gia, cố vấn trực tiếp.
Ngoài lo trước mắt, phương Tây, NATO cũng tính chuyện lâu dài, chủ trương hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất quân sự tại Ukraine; nâng chất và tích hợp sâu hơn công nghiệp quân sự của Kiev với tổ hợp công nghiệp quốc phòng của EU, phương Tây. Đó có thể là các căn cứ quân sự trá hình, nơi đặt vũ khí của NATO sát nách Nga. Đặc biệt, trong 10 ngày giữa tháng 9, Ukraine lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập chống thiết bị bay không người lái do NATO tổ chức tại Hà Lan.
Vũ khí, tin tức tình báo, trinh sát vệ tinh, cố vấn và lực lượng của một số nước NATO dưới danh nghĩa “tình nguyện” hiện diện nhiều hơn ở Ukraine. Tính chất cuộc chiến ủy nhiệm của NATO, Ukraine với Nga dần thay đổi. Sự can dự của NATO ngày càng toàn diện, mạnh, sâu và trực tiếp hơn. Tuy vậy, nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng nỗ lực can dự chỉ kéo dài cuộc xung đột, chứ khó đánh bại hoàn toàn Nga. Bởi Nga không thể không đáp trả và hành động của Moscow thận trọng nhưng cũng rất quyết đoán.
Theo nhiều chuyên gia, nỗ lực can dự của NATO sẽ khiến Nga không thể không đáp trả. (Nguồn: Washington Post) |
Nga sẵn sàng cho mọi kịch bản
Một mặt Nga kiên trì tấn công trên nhiều khu vực ở Donesk, duy trì đòn tập kích hỏa lực mạnh và tổ chức phản công khôi phục các địa bàn ở tỉnh Kursk. Moscow tiếp tục sản xuất, đưa vào sử dụng các loại vũ khí uy lực lớn hơn, tăng quy mô quân đội, điều chỉnh lực lượng để thực hiện mục tiêu đề ra trên cả hai hướng chính của chiến trường. Các đòn tiến công, phản công không ồ ạt, nhưng về cơ bản cục diện chiến trường đang có lợi cho Nga.
Trước các động thái mới của NATO và phương Tây, Nga một lần nữa vạch ra “lằn ranh đỏ”. Nếu NATO và phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thì Moscow coi đó là hành động tham chiến trực tiếp, sẵn sàng đáp trả tương ứng, bằng các loại vũ khí hiện có, không loại trừ vũ khí hạt nhân. Phương thức đáp trả của Nga có thể như sau:
Một, trục xuất, đóng cửa đại sứ quán những nước đi đầu trong cung cấp vũ khí hiện đại tầm xa để Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Hai, ngừng xuất khẩu một số loại hàng hóa quan trọng như nông sản, lương thực, dầu khí, uranium… sang những nước hăng hái can dự sâu vào cuộc chiến. Mới đây, Thủ tướng Mikhail Mishustin công bố danh sách 47 quốc gia phương Tây có thái độ “không thân thiện”, “chống phá Nga”. Danh sách không có Hungary, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện rõ sự phân hóa quan hệ.
Ba, sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại cho các quốc gia là đối thủ của Mỹ và NATO như Triều Tiên… Bốn, tấn công hỏa lực mạnh, bằng tên lửa siêu vượt âm vào các mục tiêu có nhân lực của NATO tại Ukraine và có thể cả mục tiêu quân sự tại Ba Lan, Romania…, nơi được cho là cất giữ, huấn luyện, cung cấp vũ khí hiện đại, tầm xa cho Kiev.
Năm, tổ chức diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân và tiến hành vụ thử hạt nhân mới, duy trì sự sẵn sàng và khả năng răn đe. Sáu, tấn công bằng vũ khí hạt nhân, có thể cả loại chiến thuật và chiến lược, vào một số mục tiêu quân sự quan trọng ở một số nước thành viên NATO đi đầu, tích cực can dự; quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương cũng không nằm ngoài đòn đáp trả.
Một số lãnh đạo phương Tây tin rằng đó chỉ là “răn đe bằng lời nói!”, bất chấp Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nhắc nhở, không nên tìm cách ngăn cản Nga, một quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên kênh Telegram hôm 14/9, sử dụng vũ khí hạt nhân là “câu chuyện rất tồi tệ với kết cục rất nghiêm trọng”, nhưng phương Tây đang thách thức nên “bất kỳ sự kiên nhẫn nào cũng sẽ kết thúc!”.
Thực tế Moscow đã và sẽ tiếp tục điều chỉnh Học thuyết hạt nhân linh hoạt hơn, có thể đáp trả một cuộc tấn công của đối phương bằng vũ khí thông thường đe dọa sự sống còn, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga. Tuyên bố thế là quá rõ, nhưng sử dụng vũ khí hạt nhân là quyết định vô cùng khó khăn, là đòn cân não với lãnh đạo các bên.
Một người phụ nữ đi ngang qua những chiếc ô tô bị cháy ở Belgorod, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Khả năng đàm phán, khi nào và như thế nào
Xung đột đang vào hồi căng thẳng, Nga ít nhiều có lợi thế chiến trường nhưng ông chủ Điện Kremlin vẫn tuyên bố, sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine, nhưng phải tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan, bao gồm cả Nga. Trên thực tế, Moscow đã tham gia đàm phán từ tháng 4/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trưởng đoàn đám phán Ukraine lúc đó đã ký tắt những nội dung chính và quân đội Nga chấp nhận rút khỏi thủ đô Kiev, nhưng cuối cùng Tổng thống Zelensky lại xé bỏ.
Moscow muốn thể hiện thiện chí, gửi thông điệp chính trị đến lãnh đạo Mỹ và phương Tây, nhất là thời điểm sắp diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Mặt khác, Nga cũng bị tổn thất đáng kể, gặp khó khăn trước sức ép lớn, nhiều mặt từ phương Tây. Đàm phán chấm dứt xung đột mà vẫn đạt mục tiêu cơ bản vẫn lợi hơn là tiếp tục kéo dài cuộc chiến tiêu hao lớn.
Ukraine cũng nói đến đàm phán nhưng vẫn không từ bỏ điều kiện tiên quyết. Phương Tây, EU tuy muốn tiếp tục cuộc xung đột chống Nga nhưng cũng "bỏ túi" phương án dự phòng, đàm phán trên thế có lợi. Như vậy, đàm phán vẫn là một kịch bản có thể, vấn đề là theo kiểu gì, với điều kiện nào?
Đàm phán có thể xảy ra trong một số trường hợp sau:
Thứ nhất, một bên giành thắng lợi quân sự gần như tuyệt đối, bên kia buộc phải chấp nhận các điều kiện để chấm dứt xung đột. Kịch bản này ít khả năng xảy ra. Ukraine không thể đánh bại Nga. Nga cũng khó chiến thắng quân sự tuyệt đối, bởi sau lưng Kiev là phương Tây, NATO.
Thứ hai, cuộc chiến kéo dài, không bên nào có thể dứt điểm hoàn toàn đối thủ, chịu nhiều tổn thất lớn, buộc phải ngừng bắn, đàm phán. Bên giành ưu thế chiến trường sẽ có điều kiện, kết cục thuận lợi hơn. Kịch bản này có khả năng xảy ra.
Thứ ba, xảy ra đột biến ở thượng tầng (có thể là Kiev), phái chủ hòa lên nắm quyền. Kịch bản này không phải là không thể, nhưng hiện nay chưa có dấu hiệu rõ ràng.
Thường đàm phán sẽ diễn ra khi chiến trường có trận quyết chiến chiến lược thắng lợi. Đàm phán ở Geneva năm 1954 và ở Paris năm 1973 là trường hợp như thế. Trong cuộc xung đột này, lực lượng Ukraine có thể bị sát thương cơ bản ở Kursk hoặc Kiev dốc sức mở cuộc tấn công lớn vào Crimea và Nga tung đòn tổng lực hủy diệt lớn đối phương. Đàm phán, nếu xảy ra, sớm nhất cũng bắt đầu từ cuôí năm 2024 và sang năm 2025.
Như vậy, đàm phán là kịch bản có thể, nhưng dự báo vẫn chỉ là dự báo, bởi có nhiều nhân tố có thể làm chệch hướng. Ngoài hai đối thủ trực tiếp, khả năng đàm phán còn phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. Chừng nào NATO, phương Tây còn muốn loại bỏ Nga, chừng đó chưa thể có đàm phán thực sự.
Một số lãnh đạo phương Tây dần điều chỉnh quan điểm, từ chỗ muốn đánh bại hoàn toàn Nga, sang đóng băng xung đột, mở đường cho cuộc đàm phán kéo dài, giành lợi thế lớn nhất có thể; tranh thủ thời gian khôi phục sức mạnh cho Ukraine. Moscow hiểu rõ và chắc chắn không muốn kịch bản đó xảy ra.