Xung đột Nga-Ukraine: Đòn ‘chốt hạ’ nào với Tổng thống Putin? (Nguồn: Reuters) |
Hiện tại, phương Tây đã bắt đầu cảm thấy tác động ngược của “lạm phát đình trệ”. Áp lực lạm phát hiện tại sẽ tăng thêm do giá hàng hóa thiết yếu tăng vọt, bao gồm năng lượng và lúa mỳ. Trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, một đợt gián đoạn chuỗi cung ứng khác đã bắt đầu, chi phí vận chuyển lại tăng. Các tuyến đường thương mại bị gián đoạn có khả năng gây áp lực suy thoái hơn nữa đối với tăng trưởng.
Trong khi đó, nhận định về một giải pháp có thể giúp giảm căng thẳng Nga-Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ mất thời gian, “vấn đề Ukraine còn dai dẳng', trong khi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt thì ngày càng sâu sắc, rất có thể làm giảm quyết tâm của phương Tây.
EU đã đến giới hạn
Nga liên tiếp hứng các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào ngành tài chính và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh trừng phạt "chưa từng có" như cấm vận năng lượng Nga, loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT)…
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell mới đây thừa nhận, EU đã đạt đến giới hạn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga.
"Với các lệnh trừng phạt tài chính, tất nhiên, bạn có thể đi xa hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt đến giới hạn những gì có thể làm. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể", ông Borell nói. Ông cho biết, EU cần phải tránh xung đột với Nga bởi điều này có thể kéo theo hệ lụy không mong muốn, trong đó có cả nguy cơ về một Thế chiến thứ 3.
Trả lời câu hỏi liệu EU có "nối gót" Mỹ áp lệnh cấm vận năng lượng với Nga hay không, ông Borell cho biết, EU ở thế khó hơn so với Mỹ. Thực tế, EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của EU do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế không hề dễ dàng với EU. Đó là lý do EU chỉ cam kết giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga thay vì một lệnh cấm vận như của Mỹ và Anh.
Có thể thấy rõ, lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga là biện pháp "bất đắc dĩ" bởi phương Tây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhu cầu năng lượng phụ thuộc lớn vào Moscow.
Xung đột Ukraine xảy ra vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Chuyên gia về năng lượng Brenda Shaffer, nhận định, việc loại bỏ nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới khỏi các thị trường sẽ gây ra "một cú sốc lớn" đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu.
Với riêng EU, “đoạn tuyệt” với dầu và khí đốt Nga lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều với phần còn lại của thế giới. Từ đầu năm nay, giá khí đốt bán buôn đã ở mức kỷ lục trong khi dầu thô tăng 40% kể từ đầu năm. Các biện pháp trừng phạt mới có lẽ sẽ khiến giá dầu và khí đốt cao hơn rất nhiều trong thời gian dài tiếp theo. Giá năng lượng tăng phi mã chắc chắn làm gia tăng lạm phát và góp phần bóp nghẹt mức sống vốn đã bị siết chặt ở châu Âu trong thời gian này.
Hiện tại, các chính phủ phương Tây đang đặt ưu tiên nhiều hơn cho vấn đề Ukraine tuy nhiên, áp lực trong nước lên các cử tri cũng không thể là vấn đề có thể bỏ qua. Giới quan sát bình luận rằng, khi quyết định triển khai chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin có lẽ đã cho rằng, người dân phương Tây không quan tâm nhiều đến Ukraine. Đúng, ông ấy đã sai về điều đó, nhưng ngay cả như vậy, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ mất thời gian, “vấn đề Ukraine dai dẳng” và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc rất có thể làm giảm quyết tâm của phương Tây.
Cuối cùng, phương Tây sẽ phải quyết định xem họ muốn đánh bại Tổng thống Putin đến mức nào. Nếu châu Âu quyết theo tới cùng thì họ phải sẵn sàng cho một chặng đường dài vì ngay cả những cuộc vây hãm khó khăn nhất cũng sẽ mất thời gian để phát huy tác dụng.
Trong khi đó, giá năng lượng nhảy vọt chỉ là một trong những yếu tố tiêu cực đang tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng vốn đã được tất cả các chiến lược gia điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Ủy ban châu Âu (EC) ban đầu dự báo GDP của khu vực sẽ đạt 4% cho cả năm, nhưng giờ đây đã hạ xuống chỉ còn 2,4%. Nếu tệ hơn, tình hình tiếp tục căng thẳng, giá dầu sẽ kéo tăng trưởng xuống 2% với các hoạt động kinh tế chắc chắn rơi vào tình trạng đình trệ. Tệ hơn nữa, nếu căng thẳng leo thang, Khu vực đồng Euro bị dự báo có thể rơi vào suy thoái lần thứ hai sau chỉ 2 năm.
Trong mọi trường hợp đều thấy có bóng ma kinh tế đình trệ đáng sợ, với tăng trưởng chậm đi kèm lạm phát cao. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết đối với bất cứ định chế tài chính nào.
Còn nếu châu Âu không muốn chuyển tiền vào cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin, thì các chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn cho các hóa đơn năng lượng và xử lý cuộc khủng hoảng này với mức độ nghiêm trọng như họ đã từng làm với dịch Covid-19.
Về lâu dài, bài toán đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cần được thực hiện ráo riết hơn. Một vấn đề không kém phần quan trọng, phương Tây không được tự huyễn hoặc rằng các biện pháp trừng phạt sẽ có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Nga đã tìm thấy lối đi riêng?
Người ta nói rằng, xương sống kinh tế Nga phụ thuộc phần lớn vào việc bán dầu và khí đốt. Nhưng ngay cả khi các biện pháp khắc nghiệt hơn dự kiến, Nga vẫn có một kho vàng và dự trữ ngoại hối khổng lồ trị giá 630 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.
Mới đây, trước giới truyền thông, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc phương Tây đang tuyên chiến kinh tế với Nga bằng các lệnh trừng phạt "chưa từng có". Khẳng định “đây là điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga", Điện Kremlin cho rằng, "Mỹ đã tuyên chiến kinh tế với Nga và họ sẽ đáp trả lệnh trừng phạt này”.
Mặc dù không phải chịu đựng những mất mát to lớn về con người hay sự phá hủy cơ sở hạ tầng quy mô lớn, nền kinh tế của Nga cũng sẽ bị giảm khoảng 1/3, do mức độ nghiêm trọng chưa từng có của các lệnh trừng phạt mà nước này đang phải hứng chịu.
Việc phương Tây đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương và loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT, đang khiến nền kinh tế Nga suy sụp. Chưa kể các tác động tiêu cực khác sau khi các công ty có tầm ảnh hưởng lớn như Apple, BP dừng hoạt động ở Nga cũng khiến nền kinh tế nước này thêm những thiệt hại.
Giống như tình trạng Moscow vào năm 1998, Nga hiện đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về ngoại hối, tình trạng thiếu hụt hàng hóa lớn, đồng Ruble sụt giảm, nợ gia tăng và tâm lý của nhiều hộ gia đình cho rằng tình trạng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng kết thúc sớm, nền kinh tế này cũng phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Cuộc khủng hoảng càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn, hậu quả càng sâu sắc và những tiềm ẩn về những vòng luẩn quẩn và các chu kỳ bất lợi càng lớn.
| Giá cà phê hôm nay 11/3: Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh, lệnh trừng phạt tác động xấu tới thị trường Nga Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam luôn dẫn đầu về nguồn cung cà phê cho thị trường Nga, chiếm 34% tổng ... |
| Xăng tăng giá, Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tới 50% Bộ Tài Chính đã hoàn thiện dự án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó đề ... |