Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, xung đột Nga-Ukraine chính là một 'lời cảnh tỉnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một tương lai sử dụng năng lượng an toàn và sạch hơn' . (Nguồn: Bloomberg) |
Giảm phụ thuộc năng lượng hóa thạch
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nước phương Tây phải ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm rung chuyển thế giới hiện nay và trầm trọng hơn bởi xung đột Nga-Ukraine bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon và "kết nối bạn bè" rộng rãi hơn.
Ngày 17/5, phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Brussels được tổ chức tại Bỉ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lập luận rằng, xung đột dẫn đến giá năng lượng tăng vọt và khiến châu Âu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo bà, đây chính là một "lời cảnh tỉnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một tương lai sử dụng năng lượng an toàn và sạch hơn”.
Bà Yellen nói: "Không quốc gia nào kiểm soát được gió và mặt trời. Hãy đảm bảo rằng, đây là lần cuối cùng nền kinh tế toàn cầu bị ‘bắt làm con tin’ cho những hành động của những người sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ tái diễn nếu chúng ta không thay đổi cách tiếp cận”.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng Ukraine, Mỹ, EU và Anh đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm làm suy yếu khả năng tài trợ và tiến hành chiến dịch của Moscow.
Các công ty nhà nước, quan chức cấp cao cũng như các doanh nhân hàng đầu và giới tài phiệt Nga đã bị trừng phạt, trong khi xuất khẩu các sản phẩm công nghệ chủ chốt sang nước này bị cấm.
Để trả đũa, Moscow đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Giữa vòng vây các lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các khách hàng mua khí đốt của nước này phải thanh toán bằng đồng Ruble thay vì Euro và USD.
EU cũng muốn cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga trong khối và công bố kế hoạch loại bỏ nguồn nhiên liệu này từ 2 tuần trước.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về đề xuất trên vẫn đang diễn ra và chưa đi đến kết luận cuối cùng, vì một số quốc gia thành viên, dẫn đầu là Hungary, đã phản đối kế hoạch do họ phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Không giống như 5 gói trừng phạt trước đó đã được 27 nước EU phê duyệt nhanh chóng, các cuộc đàm phán về gói cấm vận dầu mỏ Nga (được cho là gói thứ 6) đã bị đình trệ.
Bốn quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu hóa thạch của Nga - Bulgaria, Czech, Hungary và Slovakia - đang yêu cầu Ủy ban châu Âu cho phép họ tiếp tục nhập khẩu năng lượng của Moscow sau tháng 12/2024, vốn đã tạo nên một sự trì hoãn đáng kể so với phần còn lại của khối.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ như một "quả bom nguyên tử" đối với nền kinh tế Hungary.
Hiện Nga cung cấp 40% khí đốt và 27% lượng dầu nhập khẩu của EU.
EU cần tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh
Tại diễn đàn trên, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovkis phát biểu: “EU đang "nhanh chóng đưa ra các quyết định chiến lược, loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga".
Và theo ông, “điều này có nghĩa là, trong ngắn hạn, cần phải đa dạng hóa các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch, cũng như "tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh".
Ông Dombrovkis nhấn mạnh, kế hoạch RePower EU, vốn đang được Ủy ban Thương mại EU rất “háo hức mong chờ”, dự kiến được công bố vào ngày 18/5 (giờ địa phương), sẽ cung cấp chi tiết về cách khối 27 quốc gia thực hiện quá trình chuyển đổi và cấp vốn cho hoạt động.
EU đã cam kết trở thành lục địa trung hòa carbon đầu tiên vào năm 2050 và đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải 55% vào năm 2030.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha Teresa Ribera nhận định, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng nhấn mạnh sự cần thiết của châu Âu và các đối tác phải xây dựng "sự phụ thuộc lành mạnh lẫn nhau trên toàn thế giới để các chuỗi cung ứng không bị gián đoạn".
Bà nói: “Điều này cũng ngụ ý rằng, chúng ta cần chú ý đến các vật liệu mới mà con người cần trong nền kinh tế năng lượng và cần xây dựng quyền tự chủ chiến lược”.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đưa ra những bình luận tương tự: "Tôi tin rằng, chúng ta cần xem xét cách khuyến khích sự "kết bạn" trong chuỗi cung ứng tới nhiều quốc gia đáng tin cậy hơn đối với nhiều loại sản phẩm.
Điều này giúp chúng ta có thể tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường một cách an toàn, với rủi ro thấp hơn cho nền kinh tế mỗi nước, cũng như với các đối tác thương mại”.
Một số vật liệu mới rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm cả lithium. Ví dụ, châu Âu chỉ có một mỏ lithium đang hoạt động và do đó nhập khẩu gần như toàn bộ lượng lithium cần thiết để sản xuất pin cho ô tô điện và thiết bị điện tử, cũng như để lưu trữ năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các nguyên liệu đất hiếm như lithium và hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về tinh chế lithium và sản xuất pin lithium-ion.
Theo tài liệu dự thảo kế hoạch RePower EU được Reuters thông tin, để các nước thành viên từ bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch, EU sẽ đề xuất một kế hoạch gồm ba mũi nhọn: Chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn khí đốt không có nguồn gốc từ Nga, đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh hơn và nỗ lực hơn nữa trong tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp trong dự thảo, có thể thay đổi trước khi được công bố, bao gồm sự kết hợp với các luật của EU, các kế hoạch không ràng buộc và khuyến nghị mà chính phủ các quốc gia có thể thực hiện. Tổng hợp lại, EU dự kiến yêu cầu đầu tư bổ sung 210 tỷ Euro và có kế hoạch hỗ trợ bằng cách giải ngân thêm tiền cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ quỹ phục hồi Covid-19 của khối. Điều này cuối cùng sẽ làm giảm hàng tỷ Euro châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm. Các kế hoạch này phác thảo một hướng đi ngắn hạn cho các nguồn cung cấp khí đốt không phải của Nga, nhấn mạnh tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các quốc gia trong đó có Ai Cập, Israel và Nigeria, cộng với cơ sở hạ tầng cần thiết để "xoay trục" khỏi Nga. |