📞

Xung đột Nga-Ukraine: Không phải thuốc súng, bẫy 'no đủ' mới là thử thách sự gắn kết của châu Âu

Minh Châu 10:19 | 11/08/2022
Nga đang thử thách sự gắn kết của châu Âu bằng khí đốt và ngũ cốc. Xung đột Nga-Ukraine không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn diễn ra trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Xung đột Nga-Ukraine: Không phải thuốc súng, bẫy 'no đủ' mới là thử thách sự gắn kết của châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Bài kiểm tra sự quyết tâm của EU

Chiến dịch quân sự đặc biện mà Nga tiến hành tại Ukraine đang có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Âu, do họ không chỉ ở gần về mặt địa lý, mà còn có những mối ràng buộc riêng về kinh tế, trong đó có sự phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên từ Nga - yếu tố vốn đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái tại khu vực này.

Tình đoàn kết với Ukraine đã buộc các nước EU phải đối mặt với tình trạng hạn chế khí đốt khi Nga cắt giảm nguồn cung.

Cuối cùng, cũng đến ngày kế hoạch mới của EU nhằm "thắt lưng, buộc bụng" tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới, có hiệu lực (ngày 9/8). Theo đó, các thành viên được yêu cầu giảm nhu cầu khí đốt, tìm cách dự trữ khí đốt nhiều nhất có thể và chuẩn bị cho khả năng Nga cắt toàn bộ nguồn cung cho khối này.

Các nước thành viên cũng được yêu cầu giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa Đông này và có thể sẽ buộc các nước thành viên phải thực hiện yêu cầu này một cách bắt buộc, nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Với lạm phát đã tăng vọt, một phần do sự gián đoạn thị trường do cuộc xung đột quân sự tại Đông Âu, "cuộc đọ găng" của EU với Nga về khí đốt là bài kiểm tra sự quyết tâm của khối có thể tới giới hạn nào. Giới quan sát cho rằng, tác động về kinh tế có thể chỉ mới bắt đầu.

Lạm phát hàng năm ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến sẽ là 8,9% vào tháng Bảy, theo ước tính của Eurostat, công bố vào 28/7. Con số này đã tăng từ mức 8,6% vào tháng Sáu. Lạm phát năng lượng dự kiến là 39,7%, giảm nhẹ so với mức 42% trong tháng Sáu. Và giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 9,8%, tăng từ mức tăng 8,9% của tháng trước.

"Bẫy no đủ" - khí đốt và ngũ cốc

Kể từ đầu mùa Hè, Nga đã chứng kiến các đồng minh của mình ở phương Tây mạnh lên, trong khi các đối thủ lần lượt chịu nhiều tổn thất.

Ngày 1/8, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, một tàu chở ngũ cốc có thể xuất cảng Odessa của Ukraine một cách an toàn và được coi là một tin tốt.

Nhưng kể từ 24/2, sau những ngày phong tỏa các hải cảng của Ukraine, nếu Nga đồng ý ký một thỏa thuận với Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc thì đó là vì Nga đã nhìn thấy lợi ích trong việc này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cần cam kết với các đồng minh của Nga ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, những nước có liên quan đầu tiên trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Để đổi lấy "thiện chí" này, Nga đã đạt được cam kết về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp và phân bón xuất khẩu.

Để thuyết phục Nga, nhiều nước châu Âu thậm chí còn đề nghị dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với 7 ngân hàng của Nga.

Tuy nhiên, giống như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với vấn đề nhập cư, ông Putin có trong tay "lá bài" kinh tế, khí đốt và ngũ cốc là những thứ "vũ khí no đủ" mà ông có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Điện Kremlin đang chi phối sự phụ thuộc kinh tế và nỗi sợ hãi của các xã hội châu Âu khi mà hậu quả gián tiếp của cuộc xung đột đang đẩy giá cả tăng vọt và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu năng lượng và suy thoái.

Trên Twitter, Michel Duclos, một cựu quan chức ngoại giao châu Âu thẳng thắn chỉ ra rằng: "Cuộc xung đột ở Ukraine cũng là một phép thử về khả năng chịu đựng giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là châu Âu". Các nước châu Âu từng "hoan hỉ" với sự đoàn kết của cả liên minh hồi đầu cuộc xung đột. Nhưng sau hơn 5 tháng qua, nỗi sợ hãi và sự mệt mỏi đang thử thách sự gắn kết của cả khối.

Thực tế là, vấn đề năng lượng đã khiến sự thống nhất của EU "vỡ vụn". Hungary đã đàm phán với Nga để có thêm nguồn cung cấp khí đốt cho riêng mình. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ chối giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt theo kế hoạch của Brussels. Tại Đức, liên minh cầm quyền đang có dấu hiệu chia rẽ về mức độ ảnh hưởng kinh tế nếu giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Kể từ đầu mùa Hè, bối cảnh quốc tế cũng trở nên thuận lợi hơn đối với Nga khi các đồng minh của Nga ở phương Tây mạnh lên và các đối thủ của họ lần lượt thất thế. Đầu tiên là Thủ tướng Anh Boris Johnson, một trong những người chỉ trích Nga mạnh mẽ nhất, đã phải rời nhiệm sở vào tháng trước. Tiếp đến, Thủ tướng Italy Mario Draghi - người nhiệt thành ủng hộ chính sách viện trợ cho Ukraine và trừng phạt nhằm vào Nga - cũng đã nộp đơn từ chức vào cuối tháng Bảy.

Ngược lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, đồng minh chủ chốt của Nga ở châu Âu, đã cho thấy một lập trường mạnh mẽ hơn nhiều sau khi tái đắc cử hồi tháng Tư với số phiếu bầu rất cao.

Mỹ là cường quốc ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở cấp độ quân sự và tài chính, nhưng Washington đang phải bận bịu với vấn đề căng thẳng eo biển Đài Loan (Trung Quốc), trong khi Nga có thể lợi dụng cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh.

Tại Pháp, kết quả bầu cử lập pháp đã làm suy yếu thực lực của Tổng thống Emmanuel Macron, người từng là một trong những tiếng nói lớn nhất của châu Âu về Nga khi giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Điện Kremlin từ nay có thể tin tưởng vào các đồng minh trong Quốc hội Pháp, gồm đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen và đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) cực tả của ông Jean Luc Mélenchon, để có một lập trường hòa giải hơn đối với Nga.

LFI đã bỏ phiếu chống lại việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi bà Le Pen kêu gọi từ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga mà theo bà là "hoàn toàn vô ích", ngoại trừ việc khiến người dân châu Âu phải chịu đựng khó khăn. Lời kêu gọi của bà đã bổ sung tiếng nói cho Thủ tướng Hungary, người tin rằng với các lệnh trừng phạt được đưa ra, nền kinh tế châu Âu đã "tự bắn vào phổi khiến mình ngạt thở".

Quả thực là với những gì đang diễn ra, các lệnh trừng phạt của châu Âu cho đến nay vẫn chưa có tác dụng như mong đợi của các nước thành viên đối với "đối thủ" Nga. Ngược lại, nhiều nước đang phải lo lắng với viễn cảnh mùa Đông lạnh giá vì thiếu khí đốt, trong khi giá cả tiếp tục gia tăng và lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại.

(theo Le Figaro, Politico)