Xung đột Nga-Ukraine, Kiev khát vũ khí, nền công nghiệp Đức 'bẻ lái' rục rịch đón đơn đặt hàng. Trong ảnh: Xe tăng Đức Panther KF51 do Rheinmetall giới thiệu vào năm 2022. (Nguồn: Mezha) |
Ukraine trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới vào năm 2022, sau khi xung đột quân sự với Nga kích hoạt một dòng viện trợ quân sự lớn cho Kiev từ Mỹ và châu Âu, theo tổ chức nghiên cứu SIPRI của Thụy Điển.
Một số vũ khí đã được chuyển thẳng từ kho quân sự phương Tây sang Ukraine, trong khi Kiev cũng "tự bỏ tiền túi" hoặc lấy từ quỹ do các đồng minh cung cấp để mua thiết bị quân sự và vũ khí.
Tuy nhiên, tốc độ Ukraine sử dụng đạn dược đã làm dấy lên lo ngại về những căng thẳng đối với năng lực của các công ty quốc phòng phương Tây, khi họ cố gắng duy trì nguồn tiếp tế cho cả quân đội Ukraine và của chính họ.
"Kỷ nguyên mới" của công nghiệp Đức
Tin từ Ngành công nghiệp quốc phòng Đức cho biết, họ sẵn sàng tăng sản lượng, cung cấp các loại vũ khí và đạn dược cần thiết cho Ukraine, nhưng cần làm rõ những gì chính phủ yêu cầu trước khi đầu tư vào năng lực sản xuất hơn nữa.
Hans Christoph Atzpodien, người đứng đầu Hiệp hội Sản xuất vũ khí của Đức và cũng là CEO của Liên đoàn Công nghiệp quốc phòng và an ninh Đức cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi với tư cách là một ngành công nghiệp là khả năng dự đoán được nhu cầu". Hoặc cụ thể hơn, "chúng tôi phải được thông báo rõ ràng những sản phẩm nào cần thiết trong thời gian nào".
“Và chúng tôi đã chuẩn bị” ông Atzpodien nói thêm. “Ngành này linh hoạt hơn nhiều so với những gì nó được ghi nhận.”
Theo ông này, các thành viên của Hiệp hội, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí lớn như Rheinmetall, hoàn toàn có thể thúc đẩy sản xuất hơn nữa, chẳng hạn, bằng cách kích hoạt lại các cơ sở và máy móc bị bỏ hoang, đồng thời thuê thêm nhân viên. Do đó, họ cần một cơ sở vững chắc dưới dạng các đơn đặt hàng để bắt đầu tiến hành các khoản đầu tư.
Sau một thời gian dài không còn được coi trọng, các tập đoàn chuyên sản xuất vũ khí đã giành lại vị trí trong nền công nghiệp Đức. Sự thay đổi này cũng cho thấy một khía cạnh khác của khái niệm “kỷ nguyên mới” mà Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố ngay sau khi xảy cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Đó là một dấu hiệu của một "trang mới", khi Tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall, nhà cung cấp đạn dược hàng đầu của Đức, đang chuẩn bị tham gia DAX - chỉ số tham chiếu của Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt. Giá cổ phiếu của Rheinmetall đã tăng hơn 120% kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Ban lãnh đạo của Tập đoàn này cho biết, doanh thu của họ đã tăng 13,2% lên 6,4 tỷ Euro (6,9 tỷ USD) và sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2-3 năm tới.
Các công ty chuyên sản xuất vũ khí Đức, vốn là ngành công nghiệp không được yêu thích, đã giành lại được danh tiếng tích cực để nhằm “củng cố mục tiêu phòng thủ”. Cơ hội đã mở ra rất nhiều sau khi Thủ tướng Đức cam kết thiết lập một “quỹ đặc biệt” trị giá 100 tỷ Euro để tái trang bị cho quân đội nước nhà.
Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius vẫn khẳng định khoản ngân quỹ này thực tế “sẽ không đủ” để trang trải cho các nhu cầu cấp bách và đề nghị chính phủ Đức chi thêm 10 tỷ Euro.
Trong khi đó, Ukraine vẫn liên tục đề nghị những khoản chi viện rất lớn, đặc biệt là về đạn dược. Về mặt logic, các nhà sản xuất vũ khí của Đức sẽ là những bên được lợi lớn nhất trong “bước ngoặt lịch sử này”.
Chuẩn bị những khoản đầu tư lớn
Tuy nhiên, có vẻ mọi thứ đang diễn ra rất chậm chạp tại Đức. Lạm phát đã được đưa vào mọi phép tính và khiến cho việc lập kế hoạch triển khai trở nên phức tạp hơn.
Quỹ 100 tỷ Euro đang rất khó được giải ngân, trong khi các đơn đặt hàng đáp ứng nhu cầu đạn dược khẩn cấp của Ukraine cũng chưa được phía Đức quyết định. Thêm vào đó, không phải dễ dàng để có thể nhanh chóng vượt qua hàng thập kỷ thiếu hụt đầu tư cho lĩnh vực quân sự.
Một số lãnh đạo chính trị, đặc biệt là người của Đảng Dân chủ Xã hội, đã không giấu nổi sự hoài nghi khi thấy chính phủ đầu tư cho vũ khí nhiều hơn là giáo dục.
Những mâu thuẫn và sự chậm chạp trong nội bộ liên minh cầm quyền – vốn sẽ phải trở lại với các quy định giới hạn nợ từ năm 2024 – bắt đầu cho thấy dấu hiệu của quá trình chuyển đổi đau đớn tại Đức.
Armin Papperger, CEO của tập đoàn Rheinmetall, là một trong những người chỉ trích công khai nhất sự trì hoãn của Berlin. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí ngày 14/3, ông khẳng định: “Tôi cần đơn đặt hàng. Không có đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ không sản xuất được gì. Việc thiếu đạn không phải là lỗi của ngành công nghiệp quốc phòng”.
Theo vị CEO này, do sự chậm chạp của chính phủ, trong năm nay Rheinmetall sẽ chỉ sản xuất đạn pháo với khoảng 2/3 công suất. Tuy nhiên, sau những ý kiến "kêu ca", các nhà sản xuất vũ khí của Đức vẫn đang chuẩn bị những khoản đầu tư lớn.
Trong giới công nghiệp quân sự Đức, Rheinmetall vẫn là tập đoàn tỏ ra tích cực nhất, với các nỗ lực mở rộng đáng kể năng lực sản xuất các thiết bị quân sự.
Đầu tiên là tại cơ sở sản xuất Varpalota ở Hungary, nơi sẽ giúp Tập đoàn này tăng sản lượng đạn pháo từ 450.000 lên 600.000 mỗi năm sau 18 tháng đầu tư.
Rheinmetall cũng đã mua lại công ty chuyên sản xuất đạn dược Expal Systems của Tây Ban Nha với giá 1,2 tỷ Euro. Tập đoàn này cho biết, sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc nổ mới ở Sachsen (miền Đông) nếu chính phủ chấp thuận kế hoạch và tham gia tài trợ cho cơ sở sản xuất. Khoản đầu tư ước tính từ 700 - 800 triệu Euro.
Để hoàn tất các đơn đặt hàng, Rheinmetall vừa ký với Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ một thỏa thuận sản xuất các bộ phận cho máy bay chiến đấu F-35 - loại máy bay mà Berlin đã đặt hàng với số lượng 35 chiếc vào tháng 12/2022.
Trước hết, Tập đoàn Đức đưa ra ý tưởng, Ukraine có thể tự trang bị một nhà máy sản xuất vũ khí trên lãnh thổ của mình. Cụ thể, Kiev có thể xây dựng địa điểm sản xuất, với sự giúp đỡ của các đồng minh và sau đó cho Rheinmetall thuê để sản xuất xe tăng.
Đáng chú ý, nhà máy Ukraine có thể được sử dụng để chế tạo xe tăng Panther KF51 do Rheinmetall giới thiệu vào năm 2022. Dự án mới nhất này đang gây nhiều tranh cãi vì nó có khả năng cạnh tranh với dự án liên danh xe tăng chiến đấu Pháp - Đức MGCS (Hệ thống chiến đấu chủ lực trên mặt đất) mà chính Rheinmetall cũng liên quan.
Krauss-Maffei Wegmann (KMW), một Tập đoàn của xứ Bavaria và cũng là thành viên của tổ hợp MGCS, đã tỏ thái độ khó chịu trước kế hoạch mở rộng của Rheinmetall, cho rằng đối thủ cạnh tranh này muốn “chơi một mình một ngựa”.
Ralf Ketzel, CEO của KMW, cho rằng, Rheinmetall đang bắt tay vào một lĩnh vực mà trên thực tế KMW “đã lên kế hoạch hợp tác Pháp - Đức”.
Cho đến nay, cho dù chưa nhận được giải ngân từ quỹ đặc biệt 100 tỷ Euro, KMW vẫn lên kế hoạch mở rộng sản xuất. CEO Ralf Ketzel cho biết, cơ sở sản xuất của Tập đoàn ở Bavaria sẽ tuyển thêm từ 50 - 100 người mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
| Nga-Trung Quốc: Khi các nhà lãnh đạo gọi nhau là 'bạn thân', khó khăn kinh tế sẽ không còn gì đáng ngại? "Người bạn thân thiết" là cách Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi nhau, cùng bày tỏ sự ủng ... |
| Giá vàng hôm nay 22/3/2023: Giá vàng mất ngưỡng 1.950 USD, thị trường bấp bênh đợi Fed 'xuống tay', giá lại sắp có biến? Giá vàng hôm nay 22/3/2023 tiếp tục thu hút sự chú ý khi bất ngờ quay đầu giữa xu hướng tăng mạnh liên tục. Tuy ... |
| Giá cà phê hôm nay 23/3/2023: Giá cà phê thế giới quay đầu, Fed tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng Sau cuộc họp kéo dài hai ngày (21-22/3), Fed đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đồng thời cho ... |
| Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 23/3/2023: Tỷ giá USD, Euro, AUD, CAD, Yen Nhật... Fed có xóa tan bóng đen từ sự cố SVB sụp đổ? Cập nhật tỷ giá ngoại tệ hôm nay 23/3, tỷ giá USD, Euro, AUD, CAD, Bảng Anh, Yen Nhật, tỷ giá hối đoái... đồng bạc ... |