Xung đột Nga-Ukraine: Một liên minh mới khăng khít hơn, đã thành hình ở phương Đông? Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản, năm 2019. (Nguồn: Getty Images) |
Liên minh Mỹ và châu Âu đã kìm hãm năng lượng của Nga, nhưng có một liên minh ở phương Đông đang “vô tình” hỗ trợ tài chính cho Nga. Họ tuyên bố không đứng về phía nào hay có động thái ủng hộ hoặc chống Nga, nhưng việc mua hàng theo cách “lợi cả đôi bên” của họ đang giúp Moscow làm dịu các vết thương do "bão trừng phạt" từ phương Tây.
“Lợi cả đôi bên”
Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga triển khai tại Ukraine đã khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây cùng thống nhất ý chí chống lại một đối thủ chung. Nhưng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nó cũng đã góp phần củng cố một liên minh mới khăng khít hơn ở phương Đông, ít nhất là cùng giữ cho nền kinh tế Nga tồn tại.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 6/5: Giá vàng thế giới chốt chuỗi tăng dài nhất, SJC thêm nửa triệu đồng; bất tuân quy luật giá đi đâu, lý do nhu cầu mua tăng mạnh? |
Trên thực tế, thời gian qua, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã tấn công vào trụ cột kinh tế Nga - ngành năng lượng, với các lệnh cấm khác nhau đối với than, dầu thô và khí đốt tự nhiên của nước này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các động thái này sẽ buộc Điện Kremlin phải "lựa chọn giữa hỗ trợ nền kinh tế và tài trợ cho việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine".
Tuy nhiên, Moscow đã không cảm thấy áp lực như phương Tây đã kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở hai "người bạn lớn” Ấn Độ và Trung Quốc, mặc dù không quốc gia nào tuyên bố đứng về cùng phía, hay chống lại Nga một cách rõ ràng.
Cả hai giữ lập trường trung dung, trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới lên tiếng phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điều đáng chú ý là trong lúc đó, họ vẫn tiếp tục công khai hoặc yên lặng mua năng lượng của Nga, duy trì hiệu quả các mối quan hệ thương mại như họ đã có trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Tuy nhiên, các thương vụ năng lượng của họ có thể đang gián tiếp tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Ấn Độ đã tăng cường mua dầu của Nga trong những tuần gần đây. Họ bị thu hút bởi mức giá chiết khấu cao, so với mức giá đang tăng vọt của các loại dầu thô khác trên thị trường thế giới. Chính phủ Ấn Độ đã đặt hàng Nga ít nhất 13 triệu thùng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào cuối tháng Hai, theo Reuters. Tổng số hàng mua tích lũy chỉ trong hai tháng qua, đã gần bằng số lượng cộng dồn - 16 triệu thùng mà Ấn Độ mua từ Nga cho đến hết năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tôn trọng các hợp đồng dầu hiện có với Nga. Dù các nhà máy lọc dầu do nhà nước điều hành của Trung Quốc đã hạn chế ký kết bất kỳ thỏa thuận mới nào, nhưng việc tiếp tục các kế hoạch hiện tại đã đủ để Bắc Kinh giữ vững vị trí là khách hàng lớn của Điện Kremlin.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, đã nhập khẩu gần 1,6 triệu thùng/ngày trong suốt năm 2021. Trung Quốc cũng là khách hàng hàng đầu tiêu thụ khí đốt của Nga. Họ đã mua tới 16,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên - chiếm khoảng 7% nguồn cung của Nga - vào năm ngoái.
Nhìn vào thực tế hiện nay, chắc chắn, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa đủ hoàn hảo, khi năng lượng của Nga vẫn tiếp tục đổ vào các nước phản đối cuộc xung đột. Trong khi Mỹ có thể sẵn sàng cấm vận dầu khí của Nga, thì Anh và EU vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào những hàng hóa đó để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Sự phụ thuộc đó là lý do tại sao châu Âu đã không thể tiến nhanh hơn trong việc “cai” các loại năng lượng của Nga.
Những gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất, điển hình là “anh cả” Đức đang phải chịu áp lực nặng nề nhất. Việc cắt giảm năng lượng của Nga sẽ ngay lập tức nâng giá các mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng đầu châu Âu này. Lạm phát cao hơn cũng sẽ khiến các loại hóa đơn tiện ích trở thành gánh nặng. Trong thời gian tới, nếu không đủ khả năng nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt năng lượng của Nga, một lệnh cấm vận hoàn toàn gần như chắc chắn sẽ đẩy Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU - vào một cuộc suy thoái lớn.
Tồn tại và sống tốt?
Giữa những "lỗ hổng" của lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, việc tiếp tục giữ mối quan hệ thương mại tốt với Ấn Độ và Trung Quốc đã giúp Điện Kremlin đứng vững, hoặc ít nhất làm giảm tác động xấu từ các lệnh trừng phạt. Nga vẫn đang trên đà kiếm 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng vào năm 2022, nếu các đối tác thương mại hiện tại tiếp tục mua hàng, theo phân tích của Bloomberg công bố ngày 1/4. Thậm chí, dự báo thu nhập của Nga còn tăng hơn một phần ba so với năm ngoái.
Dù các dự báo đã chỉ ra con số đáng kinh ngạc như trên, nhưng thị trường năng lượng hiện tại vẫn cực kỳ biến động. Thậm chí, Moscow cũng khó tưởng tượng được như thế. Bộ Tài chính Nga ngày 5/4 cho biết, doanh số bán năng lượng trong tháng 4 của Nga hiện dự kiến đạt 9,6 tỷ USD, cao hơn mục tiêu trước đó của Điện Kremlin, do giá cao hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc với giới truyền thông gần đây, một số quan chức Điện Kremlin cũng đã củng cố triển vọng tích cực trên. Họ cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov khẳng định với tờ Izvestia trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13/4 rằng, Nga sẵn sàng bán các sản phẩm năng lượng cho "các quốc gia thân thiện với bất kỳ mức giá nào".
Ngoại trưởng Sergey Lavrov thì tỏ ra gay gắt hơn trong việc hạ thấp tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Nga "sẽ không thuyết phục bất kỳ ai mua dầu và khí đốt của chúng tôi", ông nói tại một cuộc họp báo.
"Chúng tôi sẽ có thị trường cung cấp và chúng tôi đã có chúng", ông Lavrov nói. Phương Tây đã không ngăn cản được những thị trường đó.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen tuần trước cho biết, các quốc gia trừng phạt "sẽ không thờ ơ" với những quốc gia đang "ngồi trên hàng rào" (lệnh trừng phạt).
Tuy nhiên, không có chính sách cụ thể nào được công bố nhằm vào những đối tượng mua năng lượng của Nga. Khi giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục lan tới các khu vực khác của Ukraine, tiền từ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Nga trụ vững.
| Giá cà phê hôm nay 6/5: Giá cà phê quay đầu giảm, Fed thắt chặt chính sách, giá khó bật tăng mạnh Trong tháng 4, giá cà phê robusta giảm 0,38%, tương đương 2.107-2.115 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm lại giảm tới 8,03%, ... |
| Khủng hoảng khí đốt châu Âu: Nga 'thoái vị', ngôi sao khí đốt mới sẽ xuất hiện? Từng từ chối yêu cầu của châu Âu về khí đốt, khi Nga đe dọa cắt nguồn cung cấp cho lục địa này, nhưng thực ... |